Cấm điện thoại nhưng cho quét mã QR tại cây xăng, nếu dùng có bị phạt?

08-11-2023 18:03 | Xã hội

SKĐS - Nhiều người dân băn khoăn không biết thực hiện thế nào cho đúng khi đến mua xăng vừa thấy có biển cấm sử dụng điện thoại di động lại vừa cho quét mã QR để chuyển khoản khi thanh toán.

Mới đây, một hội nhóm trên mạng xã hội đã lan truyền bài đăng có nội dung phản ánh việc một cây xăng ở trung tâm thành phố Đà Nẵng không chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Theo đó, người đăng bài viết chia sẻ: "Ngay trung tâm thành phố có cây xăng không nhận chuyển khoản trong khi Nhà nước đang khuyến khích người dân thanh toán chuyển khoản thay cho tiền mặt trong giao dịch".

Bài đăng sau đó nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người còn cho biết, hiện tại có nhiều cây xăng khác tại các trung tâm thành phố lớn ở Việt Nam cũng không chấp nhận hình thức thanh toán bằng chuyển khoản.

"Em đổ xăng cho ô tô thì mới quẹt thẻ thôi chứ đổ xe máy thì thanh toán tiền mặt cho nhanh, đổ ít mà chuyển khoản với cà thẻ mất thời gian, phiền người khác lắm", tài khoản Đ.T chia sẻ.

"Vì khi đông rất mất thời gian ảnh hưởng đến người xếp hàng phía sau, rồi mạng rớt, mất kết nối,... chưa kể nhiều kẻ còn gian lận nữa", một tài khoản khác chia sẻ.

"Hà Nội rất nhiều nhé. Xăng đổ mất 1 phút, đợi người chuyển khoản mất 5 phút, ai đợi được? Lại còn nhiều trường hợp chuyển được rồi nhưng lại chưa nhận được tiền, mất ai chịu? Còn hàng dài người xếp hàng sau nữa", "Cây xăng trung tâm TP Hà Nội cũng dán giấy 'CHỈ NHẬN TIỀN MẶT'"... là những bình luận mà người xem để lại.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, nhiều cây xăng trong nội thành Hà Nội hiện tại không chấp nhận chuyển khoản để thanh toán mà chỉ nhận tiền mặt.

Đáng chú ý, tại một cây xăng trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhiều người dân băn khoăn không biết thực hiện thế nào cho đúng khi đến mua xăng vừa thấy có biển cấm sử dụng điện thoại di động lại vừa cho quét mã QR để chuyển khoản thanh toán.

Có nên dùng điện thoại để quét mã QR thanh toán tại cây xăng - Ảnh 1.

Cây xăng dán biển cấm điện thoại.

Có nên dùng điện thoại để quét mã QR thanh toán tại cây xăng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, lại dán mã QR cho phép khách chuyển khoản thanh toán.

Có nên dùng điện thoại để quét mã QR thanh toán tại cây xăng - Ảnh 3.

Người dân quét mã QR chuyển khoản thanh toán khi mua xăng.

Theo luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội, Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: "Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử như sau.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật".

Như vậy, đối với trường hợp sử dụng điện thoại ở cây xăng; thì sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu như có biển cấm nhưng vẫn sử dụng điện thoại di động khi đổ xăng và gây cháy nổ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Căn cứ theo quy định tại Điều 589 Bộ Luật dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau:

"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Thiệt hại khác do luật quy định."

Nói đùa "có súng trong hành lý" trên máy bay bị xử phạt thế nào?Nói đùa 'có súng trong hành lý' trên máy bay bị xử phạt thế nào?

SKĐS - Việc hành khách nói đùa "có súng trong hành lý" trên máy bay là mối đe dọa đối với sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của tất cả những người có mặt trên chuyến bay, luật sư Quách Thành Lực cho biết.


Phúc Đức
Ý kiến của bạn