Cầm cuốn sách mà vang lên tiếng nói đầy yêu thương

06-12-2024 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Yêu thương vốn là một phạm trù thuộc về tình cảm. Nó là khởi nguồn của những giá trị tốt đẹp mang tính nhân vị. Cũng bởi vậy, văn chương đích thực luôn hướng tới yêu thương như một cách thức để làm giàu thêm giá trị, lợi ích tình cảm của con người.

Ở góc độ này, theo như tôi thấy, trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của tác giả Châu La Việt do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành chính là tiếng nói đầy yêu thương như vậy. Cuốn trường ca đã khắc họa một miền quê yêu thương, con người yêu thương và phẩm chất yêu thương một cách trọn vẹn.

Khởi đầu câu chuyện khi nhắc đến Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, tôi muốn bắt đầu từ một miền quê được nhắc đến trong tác phẩm, nơi khởi nguồn của những yêu thương: "Xuân Cầu". Điều mà như Đại tá, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú đã khẳng định trong lời giới thiệu cho tác phẩm: "Hai sợi chỉ xuyên suốt trường ca là hai câu chuyện về hai người con cùng điểm xuất phát là làng quê Xuân Cầu văn hiến".

Cầm cuốn sách mà vang lên tiếng nói đầy yêu thương- Ảnh 1.

Quê hương Xuân Cầu - cái tên đầy thân thương, nghe xa xôi mà gần gũi. Tôi nói xa xôi bởi mình chưa từng đặt chân đến nơi đây, nhưng cũng dám khẳng định gần gũi bởi địa danh Xuân Cầu (Huê Cầu xưa) là điển tích quen thuộc trong văn chương, thơ phú, đã tưới tắm biết bao tâm hồn thơ ngây, mộc mạc thêm đậm sâu, ân tình.

Quê tôi vốn vùng Kinh Bắc xưa. Tôi vẫn nhớ những đêm trăng hạ huyền thanh vắng, bên chiếc chõng tre nghe kẽo kẹt thời gian, ông nội thường hay ngâm những câu ca dao xưa cũ, vần điệu. Có những câu ca bay bổng, lại có những câu ca nhớ nhung da diết, giọng ngâm cứ vậy êm trôi: "Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu,/ Để thương để nhớ để sầu cho ai".

Lúc đó, tôi nào biết Đồng Tỉnh, Huê Cầu ở nơi đâu, chỉ thấy nó ngân vang trong hồn điệu những khúc ca đầy thương nhớ. Rồi sau, tôi lại đọc được trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm: "Những nàng dệt sợi/ Đi bán lụa mầu/ Những người thợ nhuộm/ Đồng Tỉnh, Huê Cầu/ Bây giờ đi đâu? Về đâu?".

Ra vậy, làng Huê Cầu cổ vốn có nghề nhuộm thâm nổi tiếng, là danh hương bao đời. Người con gái Huê Cầu đảm đang, dịu dàng, nhân hậu, người con trai Huê Cầu chính trực, rộng rãi, công minh. Nét đẹp ấy cứ truyền nối đời qua bao thế hệ. Để rồi khi đổi tên thành Xuân Cầu vẫn vang vọng nơi đây những hình ảnh tiếp nối, cuộn trào như sông, như đồng, như bể.

Xuân Cầu ký thác trong tôi như vậy. Còn với tác giả Châu La Việt, tôi tin ông đã gặp gỡ những miền ký ức còn dạt dào hơn thế, bởi chỉ có vậy ông mới bắt được rất chính xác mạch nguồn yêu thương, khởi sinh biết bao người con vừa tài hoa, vừa dạt dào lý tưởng cách mạng nơi đây: "Quê của em làng Xuân Cầu cổ kính/ Mảnh đất thiêng sinh ra những con người./ Tô Chấn, Tô Hiệu - những người ông ruột thịt/ Đường cách mạng từ thủa ấy đôi mươi".

Nhân vật "em" được tác giả Châu La Việt khắc họa trong câu thơ là Tô Lan Phương, người con gái quê Xuân Cầu đã "Đêm nay mùa Thu lặng lẽ lên đường/ Bỏ lại sau lưng vầng hào quang sáng chói/ Những chân trời rực nắng bạch dương" để mang theo lý tưởng của người ông Tô Hiệu hiện thân trong "cây đào đỏ thắm" trên những tháng ngày vượt nắng lửa Trường Sơn. Cô gái Xuân Cầu có tiếng hát trong sáng như "nước giếng khơi" lên đường cùng những nghệ sĩ trẻ "Chọn sân khấu nơi miền Nam lửa đạn/ Làm người chiến sĩ và khúc hát trên môi".

Nếu như Tô Lan Phương được miêu tả đại diện cho phẩm chất nghệ sĩ thì người cán bộ an ninh Tô Quyền chính là hiện diện cho phẩm chất cách mạng của quê hương Xuân Cầu. Viết về ông, tác giả Châu La Việt đã khắc họa: "Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu/ Ông đã tới với chiến trường rất sớm/ Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng/ Ông sẽ yêu như chính quê hương mình". Người cán bộ an ninh ấy đã đi đầu "Gây dựng phong trào, dựng xây đội ngũ./ Dưới căn hầm leo lét ngọn đèn nhỏ/ Soạn tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn cho anh em…". Ông đã viết lên câu chuyện Xuân Cầu gần gũi ở nơi phương Nam của Tổ quốc, nơi "Bà con gọi ông "chú Tư Tô Lâm"/ Bà con thương ông củ khoai củ sắn./ Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng/ Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…".

Khi khắc họa hình ảnh nhân vật trong tác phẩm, tác giả Châu La Việt không bị dàn trải kể lể, nặng chi tiết. Ông tập trung khắc họa, "điểm nhãn" chi tiết, câu chuyện một cách rất thật. Ở đây, Châu La Việt dường như đã định danh một cách tiếp cận mới mẻ cho trường ca khi sử dụng chất liệu của điện ảnh khá tự nhiên. Cũng bởi vậy, hình tượng nhân vật được mô tả trong những cảnh toàn, cảnh trung và cận cảnh một cách đa diện.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ của hai nhân vật trong trường ca cũng thể hiện nổi bật chất liệu điện ảnh. Hai câu chuyện chạy song song trong những tuyến tâm trạng nay gặp gỡ tại giao điểm nơi chiến trường Tây Ninh nóng bỏng. Như dòng sông mát lành, họ hồi tưởng về ngọn nguồn sinh dưỡng: "Chú với cháu cùng quê hương Xuân Cầu/ Vườn nhà cháu chú thường sang hái quả./ Chú cũng họ Tô, đội trưởng thiếu nhi từ nhỏ/ Đi rải truyền đơn, đi canh gác cho ông cháu họp hành".

Từ cuộc gặp gỡ này, hai nhân vật được khắc họa trong mạch nguồn chung: Quê hương Xuân Cầu tỏa sáng nơi đất lửa Tây Ninh. Bóng người chú che chở cho người cháu nơi chiến trường. Cháu nhớ mẹ cũng là giây phút chú nhớ vợ và con: "Phương không biết khi các em nhớ mẹ/ Cũng là khi chú nhớ vợ nhớ con./ Những đứa con ngày chú đi còn thơ bé/ Và người vợ tần tảo sớm hôm". Điểm giao yêu thương nơi Xuân Cầu trở thành nguyên cớ, cũng điều kiện để tác giả chuyển cảnh tâm trạng cho nhân vật.

Không gian miền quê Xuân Cầu khép lại cũng là lúc nhịp thơ trong tác phẩm trở nên dồn dập hơn, quyết liệt hơn theo bước trưởng thành của lực lượng vũ trang chiến đấu nơi đất lửa Tây Ninh. Nơi đó có "Đại đội Tô Lan Phương" bước vào Chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, tiếp đà lớn mạnh như "tiếng sấm gọi bão tố khắp miền". Rồi một ngày, "Ba thứ quân cùng hiệp đồng tác chiến/ Ba thứ quân cùng nhất tề nổ súng/ Huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã/ Và an ninh bảo vệ chính quyền". Giờ phút thắng lợi đã điểm, trong tiếng sóng vỗ miền sông nước, ý thơ chợt bừng lên như ngầm ám chỉ, giờ đây không chỉ Xuân Cầu mà mọi miền quê đã sống hết mình, đã chiến đấu hết mình cho Tây Ninh bừng lên mùa xuân bát ngát: "Nhớ bao người vì quê ta chiến đấu/ Tên họ mãi còn với đất nước quê hương/ Tên họ trong lòng nhân dân yêu dấu/ Đất lửa Tây Ninh và tiếng chim rừng".

Đến những câu chữ cuối cùng của trường ca, người đọc có thể thoải mái cảm nhận một không gian đầy yêu thương, tưởng không có gì dễ chịu hơn thế. Cũng bởi, những điều yêu thương đã trở thành mạch sống nuôi dưỡng cảm xúc cho tác phẩm. Nhắc đến điều này, tôi có thể xác quyết với người đọc rằng, tác giả Châu La Việt đã dành trọn tình "yêu thương" cho nhân vật và cuốn sách của mình một cách mạnh mẽ và chân thành nhất.


Nguyên Đức
Ý kiến của bạn