Cảm và cúm là tình trạng nhiễm virus cấp tính của đường hô hấp trên. Tác nhân gây cảm phổ biến nhất là nhóm virus có tên rhinovirus còn tác nhân gây cúm là các chủng virus cúm A, B, C, trong đó cúm A và B là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất và đặc biệt cúm A thường gây những đợt bùng phát trầm trọng trên diện rộng.
Cảm cúm lây trực tiếp từ người sang người do hít phải những hạt nhỏ li ti (giọt bắn) từ dịch tiết đường hô hấp của người bệnh trong khoảng cách gần hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.
Cảm và cúm thường có những triệu chứng khá giống nhau, tuy nhiên cũng có những dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa 2 bệnh này. Với cảm thông thường, người bệnh thường ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi và hơi gai lạnh. Với cúm, các triệu chứng thường điển hình và "rầm rộ" hơn như sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi, viêm họng, ho khan, đau đầu, đau cơ bắp hoặc đau nhức toàn thân, mệt mỏi và suy nhược. Nhìn chung cho cả cảm và cúm thì 5 triệu chứng thường gặp nhất là sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau, sốt. Các triệu chứng này làm xáo trộn sinh hoạt và công việc hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Về điều trị, cảm và cúm đều là bệnh gây ra bởi virus nên không có thuốc đặc trị, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, sức đề kháng và bệnh sẽ tự khỏi.
Nghỉ ngơi như nghỉ làm một vài ngày nhằm giúp bệnh nhanh khỏi cũng như tránh lây nhiễm virus cho người khác, ngủ đủ giấc, thư giãn, tắm nước ấm, xông hơi, ngâm chân nước nóng,… Điều này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại bệnh cảm cúm.
Uống nhiều nước: Cảm cúm có thể khiến cơ thể bị mất nước do đó cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể như uống nước lọc, nước ép trái cây, nước uống thể thao, canh hay nước súp dựa trên nước dùng như phở gà… Bên cạnh đó, cần hạn chế uống nước lạnh và các đồ uống có chứa cồn và gas như rượu, bia, nước ngọt, cà phê, trà đen…
Thuốc trị cảm cúm: Các thuốc OTC (thuốc không cần kê đơn của bác sĩ) trị các triệu chứng thông thường của cảm cúm có thể dễ dàng mua được tại nhà thuốc. Bệnh cảm cúm khá thường gặp, tủ thuốc gia đình cũng nên có sẵn vài vỉ thuốc phòng khi có những triệu chứng sớm như sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau, sốt. Mặt khác, nhà sản xuất thuốc trị cảm cúm cũng thường tích hợp nhiều thành phần trong một viên thuốc giúp thuận tiện cho bệnh nhân khi sử dụng.
Do đó, thay vì phải uống nhiều viên thuốc khác nhau để trị các triệu chứng khác nhau thì chỉ cần sử dùng 1 viên (tích hợp) là đã đủ để giúp giảm các triệu chứng khó chịu do cảm cúm gây ra như sốt, đau, hắt hơi, nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi… Phối hợp thường dùng cho hiệu quả cao phải kể đến là paracetamol (tác dụng với đau và sốt), thuốc kháng histamine như chlorpheniramine (tác dụng với chảy nước mũi, chảy nước mắt và hắt hơi) và thuốc thông mũi như phenylephrine (tác dụng với nghẹt mũi). Vì là thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.