Hà Nội

Cảm cúm: Căn bệnh “thời thượng” lúc giao mùa…

14-01-2011 15:39 | Y học 360
google news

Mỗi khi thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa, từ nóng sang lạnh, những người “nắng không ưa, mưa không chịu” thường dễ bị “cảm, bao gồm những bệnh dị ứng thời tiết kết hợp với nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng. Vậy, làm sao phòng trị cảm cúm, căn bệnh thường gặp lúc giao mùa?

Mỗi khi thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa, từ nóng sang lạnh, những người “nắng không ưa, mưa không chịu” thường dễ bị “cảm, bao gồm những bệnh dị ứng thời tiết kết hợp với nhiễm siêu vi hay nhiễm trùng. Vậy, làm sao phòng trị cảm cúm, căn bệnh thường gặp lúc giao mùa?

Đủ thứ “cảm” trên đời

Từ “bệnh cảm” rất thông dụng trong dân gian để chỉ cảm sốt, cảm lạnh, cảm cúm, cảm thương hàn...

Bệnh cảm: Cảm nóng và cảm lạnh thường biểu hiện bằng những triệu chứng như: chảy nước mắt, nước mũi, nhức mỏi tay chân, ơn ớn lạnh hoặc hơi sốt, hắt hơi, người mỏi mệt. Nguyên nhân thường là do nhiễm siêu vi, bội nhiễm đường hô hấp trên.

Bệnh cảm cúm: Riêng bệnh cúm thì nặng hơn vì có thể lây lan thành dịch và có thể gây tử vong, nguyên nhân do nhiều nhóm virus cúm gây ra kết hợp với bội nhiễm tai mũi họng làm viêm phế quản phổi, viêm tai, viêm xoang... Dịch cúm Tây Ban Nha lừng danh thế giới do dòng virus H1N1 gây ra trong hai năm 1918 – 1919 làm chết khoảng 50 - 100 triệu người.

Bệnh cảm thương hàn: Bệnh sốt thương hàn là bệnh gây ra do nhiễm vi khuẩn salmonella typhi, vi trùng này sinh sôi nảy nở trong ruột, xâm nhập qua màng ruột và lan tràn khắp cơ thể do đường máu... bệnh lan truyền qua đường ăn uống hoặc thức ăn bị nhiễm phân người bệnh.

Cúm và thương hàn có thể biến thành dịch, đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa và điều trị cao, còn cảm sốt và cảm lạnh tuy không đến nỗi trầm trọng nhưng cũng gây trở ngại rất nhiều trong sinh hoạt cộng đồng.

Những điều cần biết khi dùng thuốc trị cảm

Thuốc cảm:

Thuốc trị cảm thông dụng nhất thường là sự phối hợp paracetamol - phénylpropanolamine (PPA) – chlorphéniramine với các tác dụng chính là hạ sốt, giảm đau, chống nghẹt mũi, sổ mũi, chống dị ứng thời tiết.

Thận trọng:

- Các thuốc này không nên dùng liều cao, kéo dài trên hai tuần hoặc những người bị bệnh nặng ở gan, thận. Việc dùng liều cao hoặc kéo dài còn có thể gây ra nhanh nhịp tim, tim co bóp mạnh, huyết áp tăng, nên không dùng cho những người bị cao huyết áp, cao nhãn áp, bí tiểu tiện, bệnh tim bẩm sinh.

- Khi dùng thuốc, người ngầy ngật, không tỉnh táo do tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng cổ điển chlorpheniramine nên không thể lái xe, vận hành máy móc.

- Với trẻ em cần thận trọng liều lượng vì việc quá liều sẽ dẫn đến kích thích thần kinh, gây ảo giác, co giật.

Thuốc trị cảm ho, long đàm:

Khi bị ho, tâm lý thông thường của người bệnh là muốn mau hết ho, nghĩa là dùng thuốc giảm ho mạnh. Thật ra ho là cơ chế bảo vệ cho cơ thể giúp làm sạch đường thở, che chở phế quản phổi.

Thận trọng:

- Dùng thuốc giảm ho mạnh sẽ gây ức chế trung tâm hô hấp, ngăn cản phản xạ ho.

- Những thuốc giảm ho nào chứa hàm lượng codein 10mg/viên không nên dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, còn nếu hàm lượng 25mg/viên để giảm ho mạnh thì không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi.

- Thuốc không dùng cho những người bị suy hô hấp, bị hen suyễn và trong khi dùng thuốc không nên uống rượu bia vì làm tăng tác dụng buồn ngủ, giảm tập trung.

Phòng tránh cảm cúm

Các biện pháp phòng cảm thường dùng là:

Tránh cho cơ thể khỏi bị lạnh đột ngột: từ vùng nóng qua vùng lạnh, đêm ngủ khoảng 2 - 3 giờ sáng thời tiết đột nhiên chuyển lạnh, uống nước quá lạnh, đang đi giữa trời nắng bị mưa người ướt đẫm... làm thân nhiệt bị thay đổi, nếu gặp khi cơ thể mỏi mệt nữa thì rất dễ dẫn đến cảm lạnh. Do đó, việc đề phòng như giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, lau khô và làm ấm cơ thể khi bị mắc mưa, ăn các thức ăn giàu năng lượng khi trời trở lạnh để duy trì cân bằng thân nhiệt là những biện pháp giúp cơ thể khỏi bị lạnh đột ngột.

Tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như: cam, chanh, bưởi, cà chua, quít, su hào, xà lách, giá đậu... sẽ giúp tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại tình trạng dễ bị các virus (nhất là nhóm Rhinovirus) và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể vừa gây ra cảm vừa gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Ngoài ra, còn có các biện pháp giải cảm không dùng thuốc như: cháo giải cảm dùng gừng, tỏi, hành, nồi xông, mát-xa… hình thành nên Y học cổ truyền phòng trị căn bệnh thường gặp này hàng năm mỗi khi thời tiết thay đổi.

DS. TRƯƠNG TẤT THỌ


Ý kiến của bạn