Hà Nội

“Cấm cửa” ăn mặc phản cảm chốn linh thiêng

14-07-2017 15:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, nhiều du khách, đặc biệt là giới nữ trong nước và quốc tế khi đến đền, chùa...có trang phục hở hang, “thiếu vải” khiến dư luận “nhức mắt” lẫn bức xúc.

Thời gian qua, nhiều du khách, đặc biệt là giới nữ trong nước và quốc tế khi đến đền, chùa...có trang phục hở hang, “thiếu vải” khiến dư luận “nhức mắt” lẫn bức xúc. Chính vì yếu tố này, nhiều khu di tích có quy định không cho những du khách ăn mặc hở hang vào tham quan hoặc lễ chùa, thay vào đó cơ quan quản lý cho du khách mượn trang phục kín đáo để đảm bảo tính văn hóa, sự văn minh chốn linh thiêng.

Ăn mặc phản cảm mọi nơi

Thực tế cho thấy, nhiều du khách nữ đến với các khu di tích lịch sử văn hóa, nơi thờ tự có tính linh thiêng mặc áo hai dây, áo mỏng tang, váy ngắn cũn cỡn, hở hang như vào khu vui chơi giải trí. Điều này khiến người dân nói chung bức xúc, vì tại những nơi phải lịch sự nhưng với lối ăn mặc phản cảm thể hiện sự thiếu văn hóa và không đúng với truyền thống người Việt. Vấn nạn này thường xảy ra tại các lễ hội, chùa, đền, các khu di tích lịch sử ở nước ta.Du khách nước ngoài mượn áo choàng kín đáo trước khi vào tham quan Đền Ngọc Sơn (Hà Nội).

Du khách nước ngoài mượn áo choàng kín đáo trước khi vào tham quan Đền Ngọc Sơn (Hà Nội).

Những ngày qua, tại khu di tích Đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những địa điểm linh thiêng, có bề dày lịch sử lâu đời giữa lòng Thủ đô, không ít du khách nữ trong nước lẫn quốc tế mặc trang phục không phù hợp khi vào đền, đặc biệt là khách nước ngoài như mặc váy ngắn, áo hở ngực... trông rất phản cảm. Ở di tích Chùa Một Cột (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng xảy ra điều tương tự khiến nhiều người có mặt tại hiện trường phải thở dài ngao ngán. Nhiều người dân cho rằng, Hà Nội đang đề ra Bộ ứng bộ quy tắc ứng xử văn minh, văn hóa nơi công cộng nhưng du khách lại ăn mặc hở hang vào tham quan Đền Ngọc Sơn, Chùa Một Cột và nhiều địa điểm linh thiêng khác thì không thể chấp nhận. Nếu để tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị của địa danh thu hút khách bậc nhất tại Thủ đô.

Tương tự, trong các ngày chính hội của Lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) năm nay cũng như nhiều lần trước đó, bên cạnh việc thiếu ý thức chen lấn, xô đẩy thì lễ hội này cũng chứng kiến nhiều cô gái trẻ ăn mặc không kín đáo hòa vào dòng người đến với đất tổ. Không ít bạn trẻ mặc quần bò “mốt” theo phong cách rách hở đùi, quần bó sát lộ cả phần nhạy cảm... trước sự ngơ ngác kèm theo sự khó hiểu của nhiều người đi bên cạnh. Bên cạnh đó, thông tin từ Ban Quản lý di tích cố đô Huế, thời gian qua tại nhiều điểm, cụm di tích có tính linh thiêng, truyền thống văn hóa, vô số du khách có cách ăn mặc không giống ai vào tham quan khiến nhiều người bức xúc. Chính vì điều này, Ban Quản lý di tích cố đô Huế nói riêng và nhiều di tích ở nước ta nói chung đã có những quy định cứng rắn, nhưng đồng thời có hướng giải quyết hợp lý để xóa sổ vấn nạn ăn mặc hở hang, phản cảm khi đến với di tích, đền, chùa...

Giải pháp mạnh hướng đến văn minh, lịch sự

Đây là thực tế đã, đang diễn ra tại những di tích, đền chùa ở nước ta nhằm chấn chỉnh và đi đến chấm dứt việc người dân tới các địa điểm linh thiêng nếu ăn mặc hở hang, phản cảm. Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, kể từ tháng 7/2017, du khách tham quan di tích Huế phải tuân thủ quy định về trang phục của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, lịch sự, phù hợp với ứng xử văn hóa dân tộc nói chung.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quy định về trang phục của du khách khi đến tham quan các điểm di tích phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với tính chất di tích. Đặc biệt tại các khu vực nội điện, nơi thờ cúng, tuyệt đối không được ăn mặc phản cảm, hở hang (như quần cộc, áo may ô, váy ngắn...). Hiện nay, trung tâm đã đặt hệ thống biển báo dành cho du khách tại tất cả các điểm di tích, trong đó có biển cấm ăn mặc hở hang, phản cảm khi tham quan tại các điểm di tích. Nếu du khách nào không đáp ứng được các quy định về trang phục kể trên thì Ban quản lý Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế không bán vé và không cho du khách vào tham quan trong di tích này.

Trong khi đó, tại Hà Nội, từ trung tuần tháng 4/2017 đã triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Theo đó, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đề nghị các đơn vị trực thuộc như Đền Ngọc Sơn, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê, di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm... không cho du khách mặc trang phục hở hang, phản cảm vào tham quan tại các địa điểm này. Nếu các du khách hồn nhiên mặc áo may ô, quần soóc, váy ngắn, áo hai dây... vào di tích đều được giải thích về quy định mà cơ quan chức năng đã đề ra. Cùng với đó, các nhân viên ở những di tích tại Hà Nội sẽ cho du khách cho mượn áo và hướng dẫn du khách ăn vận chỉnh tề trước khi vào khu vực thờ tự.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, việc hỗ trợ du khách về trang phục đến nơi thờ tự, tín ngưỡng là cần thiết, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng cách này. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo tới các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch, trước khi bán tour nên khuyến cáo du khách nhập gia tùy tục!


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn