Hà Nội

"Cám cảnh" Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về mức độ tiêu thụ rượu bia

08-11-2018 14:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo dự kiến, sáng mai 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

Không có ngưỡng an toàn với rượu bia

Tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 8/11, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia đang chịu rất nhiều tác động và chịu sự giằng xé quá lớn giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế.

Theo ông Quang, trong khi thực tế không có một ngưỡng nào được coi là an toàn với bia rượu, thì nhiều người lại đang muốn thêm hai từ “lạm dụng” vào luật này. Điều này dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu rằng chỉ khi lạm dụng mới gây hại, nhưng thực tế, bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn. Chỉ cần vài chén rượu, biêng biêng đi đường đã có thể gây tai nạn, thiệt mạng.

Theo các chuyên gia, hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016. Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Các chuyên gia giải đáp thắc mắc tại hội thảo.

Sử dụng rượu, bia là trở ngại cho sự phát triển bởi chúng hủy hoại nguồn nhân lực và cản trở sự phát triển bền vững của con người, bao gồm các mục tiêu: Xóa đói; Xóa nghèo; Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; Đảm bảo giáo dục có chất lượng; Bình đẳng giới; Đảm bảo nước sạch và nguồn cung ứng nước;Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; Giảm bất bình đẳng; Đô thị và nông thôn bền vững; Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; Bảo vệ khí hậu; Xã hội hòa bình; Quan hệ đối tác toàn cầu. Trong đó, đặc biệt là việc đạt được mục tiêu 3.4 và 3.5 trên đây là hết sức khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia.

​Do đó, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững.

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cùng kiêu gọi thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia

TS. Quang cũng khẳng định, Bộ Y tế thể hiện cam kết quốc tế của mình thông qua các con số cụ thể. Trước đó, trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).

Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong vòng 3 tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế (như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu, Tổ chức HealBrige Canada tại VN, Liên minh vì nếp sống lành mạnh...) gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Các tổ chức khuyến nghị kêu gọi chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Bảo đảm tính khoa học, khách quan và luôn đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển bền vững đất nước lên ưu tiên hàng đầu trong xây dựng luật….

Bên cạnh đó là các góp ý cụ thể về tên Luật, theo đó đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ: “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

Theo các chuyên gia, rượu, bia có chứa cồn là chất gây nghiện, xếp vào nhóm chất gây ung thư (Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế IARC).

"WHO đã chứng minh không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Hơn nữa, mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Việc thay đổi sang các tên khác như Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự thảo luật"- ông Quang nói.

Ngoài ra các kiến nghị cũng đề nghị cụ thể là quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ, quy định hạn chế tính có sẵn của mặt hàng rượu bia và sự tiếp cận với đối tượng dưới 18 tuổi, ngoài những quy định hiện nay được đề cập trong dự thảo, cần bổ sung hoặc điều chỉnh.

Về điều kiện tài chính bảo đảm thực thi luật cần có nguồn kinh phí bền vững để thực thi Luật, đưa Luật vào cuộc sống và tổ chức nguồn kinh phí theo hình thức tạo quỹ nâng cao sức khỏe bằng trích phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu bia, thực hiện quản lý theo đúng nguyên tắc khoa học, lập và phát triển quỹ cho triển khai phòng chống tác hại rượu bia trong nội dung của phòng chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, xu hướng gia tăng nhanh:

Một người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất ở vị trí 64/194 nước (2016), trong khi mức tiêu thụ toàn cầu tăng không đáng kể.

Một nam giới Việt Nam tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất/năm, xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới (2010).

Tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu: Năm 2017 Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia, là nước tiêu thụ bia số 1 Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc (Market expansion asia (2014), ME.A Newsletter: Asia is big Beer - Far East as World's Dominant Beer Producer.)

Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới uống rượu, đến năm 2015 đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%).

Dương Hải
Ý kiến của bạn