Hà Nội

Cảm biến sinh học giúp định lượng thuốc chính xác

12-12-2022 15:25 | Thông tin dược học

SKĐS - Các bác sĩ có thể kiểm soát được lượng thuốc hấp thụ trong cơ thể nhờ miếng dán cảm biến sinh học, đặc biệt là các thuốc điều trị bệnh nặng. Bằng cách này, cũng có thể giúp giảm tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng.

Công nghệ cảm biến sinh học theo dõi dùng thuốcCông nghệ cảm biến sinh học theo dõi dùng thuốc

SKĐS - Các cảm biến sinh học đã được phát triển, hứa hẹn đem lại một loạt các ứng dụng lâm sàng trong theo dõi dùng thuốc, cung cấp dữ liệu dược động học cá nhân để chỉ định liều thuốc kháng sinh và thuốc trị ung thư phù hợp...

Với nhiều loại thuốc điều trị nhiễm trùng và ung thư, giữa liều thuốc chữa bệnh và liều gây ra tác dụng phụ nguy hiểm chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Tuy nhiên, để dự đoán ranh giới này lại là một thách thức. Bởi những người khác nhau phản ứng khác nhau với các loại thuốc, ngay cả với cùng một liều lượng. Do đó, các nhà khoa học cho rằng cần tìm một phương pháp nào đó để dự đoán chính xác liều lượng thuốc đưa vào cơ thể.

Hiện tại, các bác sĩ có thể hiệu chỉnh lượng thuốc bằng cách lấy máu để kiểm tra lượng thuốc trong cơ thể bệnh nhân. Nhưng những xét nghiệm đó thường mất thời gian ít nhất một ngày để có kết quả và chỉ đo liều lượng thuốc tại một hoặc hai thời điểm. Vì vậy, kết quả xét nghiệm máu không giúp ích nhiều khi xác định cách điều chỉnh lượng liều lượng thuốc trong thực tế.

photo-1670776476042

Các bác sĩ có thể kiểm soát được lượng thuốc hấp thụ trong cơ thể nhờ miếng dán cảm biến.

Cảm biến sinh học giúp quản lý lượng thuốc trong cơ thể

Mới đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học California (Los Angeles, Hoa Kỳ) đã phát triển một miếng dán đeo, sử dụng kim siêu nhỏ có thể phân tích chất lỏng giữa các tế bào dưới da, từ đó giúp quản lý liều lượng thuốc chính xác.

Miếng dán cảm biến có đường kính khoảng 1/4 inch (6,35 mm), đo lượng thuốc, sử dụng các chuỗi DNA được thiết kế sẵn có tên là aptamer. Khi aptamer tiếp xúc với một phân tử thuốc cụ thể, nó sẽ thay đổi hình dạng. Một đầu của aptamer được neo vào các hạt nano vàng lắng đọng trên kim siêu nhỏ (dài khoảng nửa mm). Đầu kia của aptamer được gắn với các phân tử đặc biệt tạo ra các tín hiệu có thể đo được khi aptamer thay đổi hình dạng. Các bác sĩ sẽ biết được lượng thuốc trong cơ thể nhờ các tín hiệu đó.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ba liều lượng khác nhau của thuốc kháng sinh tobramycin trên chuột. Kết quả cho thấy, các kết quả đo nồng độ thuốc của miếng dán tương đương với các kết quả từ các xét nghiệm máu thông thường. Công nghệ vi kim cảm ứng sinh học này cho phép cải thiện phương pháp điều trị bằng cách tối ưu hóa liều lượng thuốc cho từng cá nhân và không tốn kém.

Việc phát triển miếng dán cảm biến này cho phép các bác sĩ quản lý liều lượng các loại thuốc có khoảng cách hẹp giữa liều điều trị và liều độc một cách an toàn hơn, đồng thời giúp giảm thiểu khả năng các vi khuẩn nguy hiểm kháng thuốc kháng sinh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mẹo chăm sóc da khi thời tiết trở lạnh.



Vân Hoàng
(Theo medicalxpress)
Ý kiến của bạn