Cạm bẫy ai giăng, ai mắc?

07-08-2009 06:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Không khó để nhận ra thông điệp của vở “Cạm bẫy” mới công diễn của Nhà hát kịch Việt Nam. Trong cái vòng quay nhiễu loạn của quyền lực, đồng tiền, nhiều khi con người tưởng dùng mưu mô để giăng bẫy người khác thì chính mình lại sập vào cái bẫy đó. Đó chính là bi kịch trớ trêu nhất của cuộc đời.

Không khó để nhận ra thông điệp của vở “Cạm bẫy” mới công diễn của Nhà hát kịch Việt Nam. Trong cái vòng quay nhiễu loạn của quyền lực, đồng tiền, nhiều khi con người tưởng dùng mưu mô để giăng bẫy người khác thì chính mình lại sập vào cái bẫy đó. Đó chính là bi kịch trớ trêu nhất của cuộc đời.

Đạo diễn Anh Tú. 

Ngoài đời, những chuyện như trường hợp của Vân Dung trong kịch không phải là hiếm. Đây đó trong các tác phẩm nghệ thuật các tác giả đã nhìn nhận và lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau. Bất luận là dù có  được cái nhìn thông cảm, có được sự lý giải vì hoàn cảnh khó khăn đến cỡ nào thì những con người đó cũng đáng trách hơn đáng thương, bởi họ đã quá thực dụng, không kiên nhẫn vượt qua hoàn cảnh bằng chính khả năng của mình. Vân Dung là một thiếu nữ xinh đẹp con nhà nghèo từ nông thôn lên thành phố học đại học và ôm ấp nhiều khát vọng. Yêu Lê Sơn – một trí thức trẻ hào hoa, luôn luôn chu cấp cho cô nhưng Lê Sơn lại là kẻ nhiều tham vọng. Mong sở hữu cái ghế trưởng phòng xuất nhập khẩu, Lê Sơn đã sẵn sàng dùng người yêu của mình để gây ra một cái bẫy tình với giám đốc Trần Tạo. Điều đáng trách là Vân Dung cũng đã đồng lõa với Lê Sơn (dù là miễn cưỡng) hy vọng thỏa mãn được tham vọng của mình. Nhưng khi sự việc xảy ra, nhận rõ bộ mặt đê tiện của Lê Sơn thì Vân Dung vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Cũng may, những người bạn tốt đã giúp cô lấy lại thăng bằng, đặc biệt là sự trở về của Trần Bình – người yêu cũ của Dung. Họ nối lại tình xưa. Cuộc đời tưởng như sang một trang mới, nhưng oái oăm thay, khi cùng người yêu về thăm gia đình, Vân Dung mới hay Trần Bình chính là con trai của Giám đốc Trần Tạo – tác giả của cái thai đang lớn dần trong cô. Hoảng loạn trước tình cảnh trớ trêu này, Vân Dung đã tự đi phá thai nhưng bị băng huyết  và phải đi cấp cứu. Mọi chuyện vỡ lở, Trần Bình mất niềm tin vào người cha của mình. Vân Dung sau khi ra viện chọn con đường trở về quê làm lại cuộc đời.

Môtip các cô gái quê muốn nhanh chóng đổi đời lên thành phố hoặc đi làm gái, hoặc bị lừa tình bởi những tay giám đốc có tiền, có quyền rồi cuối cùng cay đắng nhận ra làng quê mình dù có nghèo khổ  nhưng vẫn là nơi yên bình nhất không ít. Thế nhưng ở Cạm bẫy (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: NSUT Anh Tú) vẫn có nhiều điều hấp dẫn khán giả.

  Công đầu tiên phải kể đến vai trò của đạo diễn Anh Tú. Sau một số vở diễn để lại ấn tượng: Kiều Loan, Diễm 500 đô, Ngôi nhà quỷ ám..., đến Cạm bẫy, Anh Tú đã tạo ra được một phong cách, một thương hiệu cho riêng mình. Trên cái nền câu chuyện không mới như ở Cạm bẫy, đạo diễn đã tránh được sự tẻ nhạt bằng cách tạo không khí  hoạt náo cho vở diễn từ cách dàn dựng sân khấu, sử dụng linh hoạt các đạo cụ, dường như không phải thay phông chuyển cảnh mà vẫn phục vụ hiệu quả cho từng cảnh diễn. Đã thấy một Anh Tú hóm hỉnh duyên dáng trong những tình tiết hài hước đưa vào kịch và cũng đã thấy một Anh Tú quyết đoán trong cách tạo ra đường nét riêng cho vở diễn. Vì thế Cạm bẫy đầy bi kịch – bi kịch cho cả kẻ giăng bẫy và kẻ mắc bẫy, càng bi kịch hơn khi chính những kẻ giăng bẫy lại tự mắc vào – nhưng câu chuyện kịch không bị căng thẳng, nặng nề. Có triết lý, cảnh báo nhưng không đao to búa lớn, xem xong vở diễn, mọi người đủ hiểu rằng: cuộc đời này luôn có nhiều cạm bẫy, cái ác luôn ẩn mình muôn hình vạn trạng, những ai sống trái với đạo lý, giăng bẫy để lừa thầy, phản bạn thì chính họ sẽ bị trừng phạt.

 Cảnh trong vở Cạm bẫy.

Đã lâu lắm rồi Nhà hát kịch Việt Nam mới lại có một buổi  ra mắt vở diễn mới tưng bừng như vậy, không chỉ có diễn viên của nhà hát như thường thấy mà đã có sự hiện diện của đông đảo khán giả, đồng nghiệp và giới báo chí. Sự thay đổi này có lẽ bởi có sự kiện NSND Lê Hùng mới nhận chiếc ghế Giám đốc của Nhà hát kịch Việt Nam. Vở diễn đã được đưa về tổng duyệt ở sàn diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, công tác tiếp thị của Nhà hát Tuổi trẻ vốn được đánh giá là hiệu quả nhất của khu vực sân khấu phía Bắc. Dàn diễn viên trẻ của Nhà hát kịch Việt Nam với những gương mặt khá quen thuộc với khán giả truyền hình: Trương Thu Hà, Minh Hiếu, Lâm Tùng, Phương Nga... được đặt vào những vị trí có đất diễn nhưng hầu như diễn viên nào cũng không đạt tới sự tinh tế, linh hoạt để tạo sự cuốn hút trong diễn xuất. Chợt có so sánh ngầm với dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ, nếu vai này rơi vào cô A, cậu B... chắc hiệu quả sẽ khác hơn nhiều. Đó là thiệt thòi quá lớn cho diễn viên khi ít được cọ xát trên sân khấu, ít có điều kiện thử nghiệm các dạng vai diễn trên con đường nghệ thuật của mình. Đã thấy lặng lẽ vắng bóng một dàn diễn viên tài năng của nhà hát: Quốc Khánh, Trung Anh, Thu Hà, Lan Hương, Quế Hằng... bởi một thời gian dài không có những vở diễn xứng đáng cho họ “hành nghề”. Nhiều người đang hy vọng dưới sự chỉ đạo của ông đạo diễn “lắm chiêu”, Nhà hát kịch Việt Nam sẽ được thay máu.

Lan Hương


Ý kiến của bạn