Những chuyện trong xã hội như vượt đèn đỏ, xe leo lên vỉa hè khi đường ùn tắc hoặc “hôi bia”, dửng dưng trước kẻ cắp móc túi người khác... chắc chắn không phải là bản tính người Việt. Từ xa xưa, cha ông ta đã dạy “thương người như thể thương thân”, “một điều nhịn là chín điều lành”... được truyền qua các thế hệ trở thành truyền thống đạo đức và tính cách Việt.
Thế nhưng những hiện tượng “xấu xí” trên mà cả xã hội đang quan ngại dù chỉ là tạm thời trong một hoàn cảnh nhất định lại chưa có thể chấm dứt. Ai cũng lên án những thói quen xấu nhưng nhiều lúc lại vô tình thực hiện một thói quen xấu như một phản xạ. Hình như cái “tôi” ích kỷ trong mỗi người đang che lấp truyền thống nhường nhịn, tôn trọng trật tự từ xưa để lại.
Đơn giản như đi máy bay, thẻ ra máy bay đã có số ghế nhưng không ít người vẫn thích chen. Có người chả vội nhưng ở ngã tư đường phố vẫn cố vượt lên chỉ một cái bánh xe khi đèn đỏ vừa bật. Phải chăng “thói quen” hay “phản xạ” trên là do một thời gian dài xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong cuộc sống nên có sự “tranh thủ” nếu không sẽ hết. Cũng có thể những quyền lợi trong cuộc sống được phân chia thiếu công bằng nên nảy sinh tâm lý phải “chạy”, phải vượt lên trước người khác bất chấp trật tự và lẽ công bằng. Cũng có thể do “tâm lý đám đông”, người khác thế mình cũng làm theo như chuyện hôi bia, xả rác ra đường. Thể diện cá nhân, lòng tự trọng bị triệt tiêu khi lạc lõng giữa “đám đông”... Những hành vi lộn xộn, thiếu văn hóa cứ thế tự phát khi cái tôi này phải hơn cái tôi khác, những sự lố lăng trong mỗi cái tôi không gặp sự phản ứng cộng đồng để điều chỉnh đã sinh ra những cái tôi ích kỷ.
Giải quyết vấn đề này không thể chỉ hô hào bởi trong nhận thức ai cũng thấy cần phải có hành vi, ứng xử thế nào giữa cộng đồng nhưng từ nhận thức đến hành động quả là một khoảng cách! Những hành vi văn hóa chỉ có thể tồn tại trong một thiết chế xã hội có văn hóa. Không thể đòi hỏi học sinh phải thật sự kính trọng thầy cô nếu như trẻ biết thầy cô nhận phong bì của bố mẹ chúng. Không thể có một trật tự giao thông nếu như còn những CSGT thích làm luật hoặc thích “núp” để rình phạt và nhận “thông cảm” của người tham gia giao thông bị phạt. Làm sao có thể có những cái tôi văn hóa khi mà cuộc sống đầy rẫy những chuyện “chạy” từ chạy việc, chạy trường, chạy hợp đồng đến cả chuyện chạy chức chạy quyền. Người ta giật mình khi gần đây biết một ông Phó ban tổ chức quận ủy lại chơi với xã hội đen, “tiến cử” xã hội đen với người quen để thực hiện hành vi trả thù, gây ra án mạng. Câu hỏi đặt ra là ai đã đưa những kẻ như ông Phó ban tổ chức quận ủy đã kinh qua chức phó rồi chủ tịch phường kia lên? Nếu ông này không bị lộ thì sao?
Cái tôi ích kỷ chỉ có thể bị triệt tiêu nếu như công bằng xã hội được thiết lập với những thiết chế chặt chẽ với sự gương mẫu, trong sáng của những người có trách nhiệm. Hình ảnh người dân nước Nhật đang đói khát xếp hàng trật tự nhận cứu trợ sau tai họa động đất kinh hoàng không phải vì người Nhật Bản văn hóa hơn ta mà là họ có niềm tin sẽ được nhận như mọi người, họ tin vào trật tự và lẽ công bằng.
Khi con người tin vào sự bình đẳng và công bằng trong xã hội, cái tôi văn hóa sẽ xuất hiện thành nét chủ đạo trong cuộc sống và những cái tôi ích kỷ lạc lõng mọc mầm sẽ bị thui chột trước thái độ của cả cộng đồng.
Lê Quý Hiền