Cái tôi đặc biệt hay sự phá phách?

10-08-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Không nên “ru ngủ” bản thân bằng cách cô lập và tôn thờ cái tôi quá lớn của mình. Sự kiêu hãnh quá đà cũng là con dao 2 lưỡi bởi sẽ có lúc bạn trở nên cô đơn, lạc lõng trong chính thế giới văn chương của mình.

Một số cây bút trẻ hiện nay đến với văn chương để thỏa mãn sở thích, niềm đam mê, thậm chí họ cũng không trưởng thành từ cái nôi văn chương mà tự nhận về mình “danh vị” nhà văn nghiệp dư. Thế nhưng họ lại là những cây bút viết khỏe khoắn, những cuốn sách best seller trên thị trường sách Việt hiện nay hầu như thuộc về tác giả trẻ. Tuy nhiên, con đường văn chương của họ không được trải thảm đỏ như nhiều người nghĩ. Trước áp lực thời cuộc, văn học trẻ cũng còn nhiều sự trăn trở.

Hiểu nhầm yếu tố “rác rưởi”?

Có thể nói Sidney Sheldon là một hiện tượng xưa nay hiếm của văn học thế giới. Sự chỉ trích mà dư luận dành cho ông còn nhiều hơn cả sự khen ngợi. Người ta đồn rằng những ai đã đọc sách của Aimee Bender, Dave Eggers và Nick Hornby tất nhiên sẽ không bao giờ đọc bất cứ thứ gì Sheldon viết. Nhưng không biết bao nhiêu người say mê Mật mã Da Vinci (của tác giả Dan Brown) từng lén lút mở những “chiếc nồi hơi” mà Sheldon “sản xuất” ra. Những trang viết của Sheldon chưa từng làm hài lòng các nhà phê bình chân chính, nhưng họ cũng phải thừa nhận ông chính là tác giả của cái gọi là “thứ rác rưởi lắm người đọc”, ít nhất thì Sheldon cũng đã có những ảnh hưởng nhất định trên văn đàn Mỹ.

Có thể nói Sidney Sheldon là thần tượng của không ít cây viết trẻ Việt Nam, họ tôn thờ sự ngông cuồng trong văn chương của ông, từ đó, họ có niềm tin cái tôi của họ sẽ có lúc chinh phục được nhiều độc giả, tin rằng sự phá phách văn chương là hoàn toàn chấp nhận được! Nhưng việc tạo nên “thứ rác rưởi lắm người đọc” không phải chuyện dễ.

Tại thị trường văn học trẻ Việt Nam, thật khó kiếm tìm những tính cách “ngông cuồng” như Gào. Với nhiều độc giả trẻ thì Gào không còn mấy xa lạ. Cô gái sinh năm 1988 này được nhiều độc giả biết đến từ những ngày còn làm việc cho tờ báo Hoa học trò, sau đó là hàng loạt chức danh khác. Nhưng giới trẻ nhớ đến Gào nhiều nhất qua công tác thiện nguyện đầy ý nghĩa. Cùng với đó, Gào cũng trở thành nhà văn khi cho ra đời liên tiếp những cuốn tiểu thuyết về giới trẻ và tình yêu. Nhà văn trẻ này thừa nhận, cô đến với văn chương để thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Có lẽ vì cái tôi quá lớn được bộc lộ trong các tác phẩm đầu đời nên không ít độc giả phản đối tư tưởng của Gào, họ cho rằng những thứ Gào viết ra nhằm mục đích “phá hủy văn chương” để gây sự chú ý, tạo thương hiệu cho bản thân và không mang lại một giá trị nhân văn sâu sắc nào cả.

Bản thân các nhà văn trẻ cũng rất mâu thuẫn, mỗi người một cá tính, một quan điểm nên họ thường không tiếp nhận văn chương của nhau. Độc giả trẻ cũng phân chia theo nhóm, người thích phong cách này, người thích phong cách kia và họ chỉ trích lẫn nhau. Có thể nói, cây viết trẻ hiện nay xuất hiện rất nhiều nhưng chưa có một đại diện nào tiêu biểu và xuất sắc để có thể tạo ra những tác phẩm có sức lan tỏa lớn, thuyết phục được số đông. Một số nhà văn trẻ “bạo miệng” khẳng định, họ sẽ kiên định với lối viết ngông cuồng của mình nhưng lại không ý thức được rằng, bản thân họ đang xoay chuyển theo thời cuộc. Họ cũng bắt đầu dao động về lượng xuất bản, về phản ứng của độc giả và cả... hình thức của tác phẩm. Một khi đã bị chi phối bởi yếu tố ngoại cảnh thì có lẽ bản sắc của các cây viết trẻ sẽ mai một dần, sự toan tính sẽ làm hỏng văn chương.

Viết cho bản thân hay viết cho dư luận?

Sự trăn trở này có lẽ không một nhà văn trẻ nào có thể hóa giải được. Gần đây, 3 tác phẩm gây xôn xao dư luận: Ngoại tình, Chat với tình địch, Đeo lens nhìn đời là những cuốn sách có nhiều chi tiết về ngoại tình gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận.

Không giống những tập tản văn lãng mạn, nhẹ nhàng của người viết trẻ đang thịnh hành, Đeo lens nhìn đời của Huyền Nhím là những trang viết về các diễn biến nội tâm, những tình huống, suy nghĩ trước cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc. Cô cũng đề cập đến vấn đề ngoại tình, nhưng đưa ra một quan điểm khác biệt: “Chồng có bồ - Vui còn không hết, sao phải buồn”. Tác giả lý giải cho nhận định đó: “Chồng có bồ. Anh ta ăn mặc chỉn chu hơn, xức nước hoa thơm phức, cử chỉ cũng có nhiều thay đổi. Xấu chàng thì hổ ai, nên bạn phải lấy làm phấn khởi trước sự đẹp trai đột xuất của chồng mình. Bạn phải biết ơn cái cô bồ kia, cái cô mà đang giành giật để cướp đi trái tim chồng bạn ấy...”.

Tác giả Annie Vũ thì lại kể câu chuyện ngoại tình trong cuộc sống của những kẻ độc thân. Nhân vật chính - nàng - là một cô gái quyến rũ, có phần buông thả. Bên trong vẻ bất cần là một trái tim không chịu khuất phục, khát khao yêu thương đến tột cùng. Nàng yêu Liam đến cuồng dại, bỗng một ngày anh ta bỏ nàng ra đi. Lòng tự trọng không cho phép lụy tình nên nàng tìm đến Mike khi vẫn chìm đắm trong giấc mộng bên người cũ. Nàng ngoại tình trong tư tưởng với Liam. Rồi Harry xuất hiện, là một người đẹp trai vừa đủ, hài hước vừa đủ. Harry tuyệt vời đối với nàng, nhưng anh ta đã thuộc về người khác. Câu chuyện ngoại tình thực sự bắt đầu...

Còn sách của Cấn Vân Khánh có tiêu đề gây sự chú ý: Chat với tình địch. Có lẽ không cần tóm tắt thì ai cũng dễ dàng nhận ra nội dung cuốn sách xoay quanh câu chuyện gì. Khi đặt ra những vấn đề này, các tác giả đều có cách giải thích để “hợp lý hóa” những gì mà lâu nay số đông chỉ trích và phản đối. Nhưng nhìn vào đây, dư luận sẽ ít nghĩ đến mặt tích cực, mà họ cho rằng, 3 nữ nhà văn trẻ đang dạy cách... ngoại tình, “vẽ đường cho hươu chạy”.

Thế mới thấy, viết để thỏa mãn cảm xúc không phải chuyện đơn giản khi mà đối tượng tiếp nhận cảm xúc của các nhà văn lại là dư luận với rất nhiều quan điểm trái chiều.

Trách nhiệm của người cầm bút

Trong những cuộc bàn tròn về văn học trẻ, các tác giả bày tỏ, văn chương không phải một cuộc chơi như mọi người vẫn nghĩ, mà cho dù đó là một cuộc chơi thì phải chơi hết mình, đúng luật, trên tinh thần “thượng võ”. Họ cũng cảm thấy lo lắng, rằng sau những buổi hội thảo, ra khỏi bầu không khí chung vui vẻ, còn lại một mình với trang giấy, họ sẽ tiếp tục viết như thế nào để vượt qua những điều mình đã có và viết sao cho thỏa chữ “nghĩa”.

Sự trẻ trung mang lại cái mới lạ cho văn chương. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính chất hai mặt. Trẻ thì thường phá cách, nếu mà cứ mô phạm, chỉn chu thì không còn là mới. Nhưng phá cách quá đà thì không ai chấp nhận được. Một ấn tượng nổi bật khi đọc nhiều sáng tác trẻ là khó đọc và khó hiểu. Nhiều tác giả trẻ táo bạo, thậm chí liều lĩnh. Họ có tri thức, được tiếp xúc với văn hóa rộng rãi và cởi mở, có đủ điều kiện để bộc lộ tài năng của mình. Tuy nhiên, nhiệt huyết công dân trong sáng tác chưa tương xứng với sức trẻ trong xã hội, họ thiếu kinh nghiệm và cả sự trải nghiệm, thiếu nghiêm túc với cây bút của mình, đấy là chưa kể nhiều tác phẩm chỉ đi sâu vào “cái tôi” riêng tư. Tất nhiên, văn chương không phản đối yếu tố cá nhân, nhưng không chấp nhận sự quá đà.

Suy cho cùng, để đi trên con đường văn chương lâu dài và bền bỉ, nhà văn trẻ cần ý thức sâu sắc về ngòi bút và vị trí của mình. Thực tế cho thấy, muốn thành công trên con đường văn chương, ngoài tài năng, sự chăm chỉ thì mỗi nhà văn cần phải tự rèn luyện mình về tri thức, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp, trong đó có cả sự thiện chí giữa các nhà văn với nhau. Không nên “ru ngủ” bản thân bằng cách cô lập và tôn thờ cái tôi quá lớn của mình. Sự kiêu hãnh quá đà cũng là con dao 2 lưỡi bởi sẽ có lúc bạn trở nên cô đơn, lạc lõng trong chính thế giới văn chương của mình.

Tùng Lâm


Ý kiến của bạn