Cầm trong tay cuốn sách Lạ lùng bóng giai nhân của nhà báo Cao Minh, điều cảm nhận đầu tiên của tôi: đó là một cuốn sách đẹp, điệu đà từ tên gọi cho đến cách trình bày, đúng như tác giả của nó - một người mê cái đẹp và cũng yêu Hà Nội một cách hơi cực đoan. Và không thể không thừa nhận rằng, tên cuốn sách hàm chứa sự quyến rũ của giai nhân muôn thuở đã có đủ hấp dẫn khiến người ta phải lật giở nó với không ít hồi hộp.
Không có những bài báo theo kiểu nóng bỏng tính thời sự với những vấn đề lớn của thời đại, thu hút sự quan tâm của công luận - đó không phải tạng của nhà báo Cao Minh, tập sách này đi vào khai thác những góc khuất của lịch sử, những vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên đất nước... Tập sách được chia làm 2 phần: Còn mãi với thời gian và Hà Nội trong tôi. Phần Còn mãi với thời gian là gần 20 bài báo được viết trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, chủ yếu về đề tài lịch sử. Phủ bóng lên toàn bộ cuốn sách là những giai nhân tuyệt sắc mang số phận bi thương với những nỗi đau như chẳng hề vợi bớt dù mấy trăm năm đã trôi qua. Đó là 4 mỹ nhân làng Nành như công chúa Ngọc Hân, công chúa Ngọc Bình, bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, bà phi Nguyễn Thị Điều. Họ đều trở thành những bậc “mẫu nghi thiên hạ” nhưng rồi mỗi người đều có một kết cục trớ trêu. Người đọc còn được “gặp” một giai nhân tuyệt sắc, người đã dùng sắc đẹp, tài năng hơn người của mình để góp phần vào công cuộc mở cõi của nhà Nguyễn - nàng công chúa Ngọc Vạn. Nói như nhà văn Hoàng Quốc Hải trong lời giới thiệu tập sách này, tác giả đã “đưa ra ánh sáng về công lao, sự nghiệp của một trang nữ lưu đã góp phần to lớn vào công cuộc mở mang bờ cõi mà bấy lâu nay vẫn bị chìm khuất trong mớ thư tịch cổ”. Công bằng mà nói, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc tìm kiếm tư liệu không khó nhưng sự công phu tìm kiếm, chọn lọc các chi tiết và cảm tình của nhà báo Cao Minh với nhân vật mà mình đã lựa chọn thật đặc biệt. Chính vì vậy, mặc dù là những nhân vật lịch sử đã rất nổi tiếng nhưng qua bài viết của anh, nhân vật đã hiện lên gần gũi, sáng rõ hơn. Tôi cũng đặc biệt thích những bài viết của anh về những nhân vật gần hoặc cùng thời, ví dụ như tướng Nguyễn Bình; tướng Nguyễn Sơn; nhà văn - nhà viết kịch - ông chủ Nhà xuất bản Tân Dân nổi tiếng trước năm 1945 Vũ Đình Long; nhà văn Lê Văn Trương; nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; cô gái vàng của thể thao Việt Nam Thúy Hiền; võ sư Đoàn Đình Long... Cái hay của những bài ký này lại nằm ở những tư liệu riêng mà tác giả, bằng mối quan hệ thâm tình với những người liên quan đã có được trong quá trình tác nghiệp của mình. Cái hay còn nằm ở cái tình của người viết, ngoài sự ngưỡng mộ đối với những nhân vật mà anh đã chọn còn là một thứ tình cảm rất con người, như là sự xót xa với người thân của mình trước những bất trắc của số phận. Chẳng hạn như khi viết về cô gái vàng Thúy Hiền, khi ngôi sao này còn đang trên đỉnh vinh quang, chưa qua nhiều nỗi gian truân của cuộc đời, ngoài sự yêu mến, ngưỡng mộ là sự xa xót của tác giả, khi ấy cô còn quá trong trẻo, quá thơ ngây mà cuộc đời thì đầy cạm bẫy chông gai, một thứ tình cảm gần như là cha con vậy. Hay như võ sư Đoàn Đình Long, tác giả cũng mang đến cho chúng ta những chi tiết trong cuộc sống đời thực của anh, đằng sau những hào quang là những tháng ngày chống chọi với bệnh tật, là tình yêu cuộc sống khi con người đang ở giữa lằn ranh của sống và chết...
Phần 2 của cuốn sách viết về Hà Nội. Người đọc sẽ thấy rất thú vị với 2 bài viết về đêm Hà Nội của anh, 2 đêm nhưng lại cách nhau 10 năm trời, để thấy Hà Nội đã đổi thay như thế nào và cũng để thấy một tình yêu thủy chung của anh với Hà Nội, để thấy dư vị tiếc nuối khi Hà Nội đang mất dần đi những vẻ đẹp mà nhiều người đi xa vẫn thường hoài niệm. Cũng ở mảng đề tài này, những bài viết về những nhân vật gắn liền với Hà Nội như nhà văn Tô Hoài, giáo sư Đức “Rùa”... cũng mang lại cho người đọc những chi tiết, những góc nhìn, những thông tin mới mẻ.
Khép cuốn sách lại rồi, những bóng giai nhân thuở nào vẫn như còn lãng đãng đâu đó trong tâm trí. Điều lấn cấn còn lại chỉ là, như tôi đã nói ở đầu, anh yêu cái đẹp hơi cực đoan nên đôi khi trong những trang viết của anh chưa thực sự khách quan. Và nữa, nếu ngôn từ trong các bài viết của anh được chắt lọc hơn nữa, bớt đi vài chỗ rườm rà của việc diễn giải thì cuốn sách sẽ còn hay hơn.
Bích Quyên