Cải tiến máy tạo nhịp tim, tăng cơ hội thành công khi cấy ghép

04-05-2018 10:22 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Chỉ tính riêng tại Anh, mỗi năm đã có khoảng 25 nghìn người được cấy máy tạo nhịp tim trong liệu pháp tái đồng bộ tim.

Tuy nhiên, một rủi ro thường gặp là dây dẫn thứ ba có thể tuột khỏi vị trí bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm cho người bệnh. Mới đây, các nhà khoa học Anh đã có cải tiến để khắc phục nhược điểm này, giúp máy tạo nhịp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả hơn.

Thành công đầu tiên dành cho người suy tim

Cách đây 5 năm, một giờ trước khi vợ chồng bà Anne Drew, 74 tuổi ở Anh lên đường đi du lịch thì đột nhiên bà bị ngã quỵ trong phòng ngủ, chân không thể cử động. Bà đã cố gắng đứng lên nhưng lại ngã gục xuống. Chồng bà lập tức gọi xe cấp cứu đưa bà đến bệnh viện. Tại đây, sau khi được thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bà bị rung nhĩ, một loại rối loạn nhịp tim (hay còn gọi là loạn nhịp) thường gặp ở người cao tuổi. Đây là tình trạng nhịp tim bất thường, thường có nhịp thất nhanh gây giảm lượng máu đến mô cơ thể. Bà Anne đã được bác sĩ kê đơn thuốc có chứa warfarin để ngăn ngừa huyết khối, vì rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và dronedarone để giúp khôi phục nhịp tim bình thường.

Trong ba năm tiếp theo, bà đã sống khỏe mạnh với đơn thuốc này nhưng vào mùa thu năm 2016, càng ngày bà càng thấy mình thở gấp và mệt mỏi. Do đó, bà tiếp tục thực hiện điện tâm đồ để kiểm tra tín hiệu điện của tim và siêu âm tim. Kết quả cho thấy bà đã bị suy tim, một biến chứng thường gặp của rung nhĩ. Trước tình trạng này, các chuyên gia khuyên bà nên dùng máy tạo nhịp tim nhằm giúp trái tim duy trì nhịp bình thường. Tuy nhiên, máy tạo nhịp bà được cấy ghép không phải loại thông thường mà là loại đã được cải tiến để mang lại hiệu quả cao hơn, tránh được những rủi ro và bà là người đầu tiên được áp dụng.

Liệu pháp tái đồng bộ tim

Liệu pháp tái đồng bộ tim

Cải tiến của máy tạo nhịp tim là gì?

Máy tạo nhịp tim là thiết bị điện tử rất đặc biệt bao gồm một thiết bị tạo nhịp phát xung điện một chiều có chu kỳ và hai dây điện cực (dây điện cực nhĩ và dây điện cực thất nằm ở đáy tim) được gắn trực tiếp vào cơ tim, kích thích trực tiếp cơ tim làm cho chúng co bóp theo chu kỳ đó. Nhưng với trường hợp của bà Anne, các nhà khoa học Anh đã bổ sung dây dẫn thứ 3 cho máy tạo nhịp, dây dẫn này không gắn vào trong tim mà được gắn vào tĩnh mạch vành phía sau tim giúp thiết bị tạo nhịp hoạt động hiệu quả hơn. Giáo sư Nikhil Patel, bác sĩ tim mạch của Bệnh viện đa khoa Eastbourne, thành viên của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, đối với người bệnh suy tim không chỉ có nhịp tim bất thường mà còn không đồng đều ở cả hai buồng tim nên dây nối thứ ba có thể khắc phục vấn đề này bằng cách gửi xung nhịp cho cả hai bên của tim, giúp chúng co bóp nhịp nhàng với nhau. Phương pháp này còn được gọi là liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT). Tuy nhiên, khi thực hiện gắn dây dẫn thứ ba vào vị trí lý tưởng khá phức tạp vì tĩnh mạch rất mỏng manh và dây rất dễ bị tuột. Vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều trường hợp gây ra tình trạng máy tạo nhịp không hoạt động đúng chức năng và người bệnh cần phẫu thuật lại để tránh bệnh tái phát. Nhằm giảm rủi ro cho người bệnh, các bác sĩ tại Anh đã phát minh một chiếc ốc vít rất nhỏ, chỉ dài 0,2mm, bằng chiều rộng của một sợi tóc, nhằm cố định dây dẫn thứ ba trong tĩnh mạch. Điều này không chỉ giúp bác sĩ đặt dây dẫn vào vị trí chính xác, giúp nó không bị xê dịch mà còn giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút.

Rủi ro nào người bệnh có thể gặp phải khi áp dụng biện pháp này?

Bà Anne cho biết, cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 90 phút sau khi bác sĩ gây tê cục bộ. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bà cải tiến rõ rệt, bà có thể nói chuyện không ngừng với y tá, có thể xuất viện ngay trong ngày và hôm sau đã có thể đi bộ liền hai giờ. Bà đã trở lại với cuộc sống thường ngày nhưng vẫn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Còn theo các chuyên gia, khi sử dụng thiết bị mới này (bao gồm dây dẫn thứ ba trong lòng mạch được cố định bằng ốc vít rất nhỏ) không làm gia tăng nguy cơ về sức khỏe trong quá trình phẫu thuật so với bất kỳ loại máy tạo nhịp tim nào khác. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa rõ bằng cách nào để dễ dàng loại bỏ dây dẫn thứ ba khi đã cố định mà nó không hoạt động nhưng họ vẫn tin rằng đây là một lựa chọn hiệu quả cho những người bị suy tim đã được phẫu thuật tái đồng bộ tim trong quá khứ thất bại khi dây dẫn không được cố định tại chỗ.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn