Đối tượng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được chia làm hai nhóm: gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu. Ở cả hai nhóm người ta đều nhận thấy các tế bào gan chứa đầy các hạt mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease: NAFLD) là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng men gan.
Đối tượng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ là:
- Người bị tăng cholesterol, triglyceride trong máu;
- Người béo phì, béo bụng;
- Người mắc các bệnh đái tháo đường, hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng ngừng thở khi ngủ;
- Người mắc suy giáp, suy tuyến yên...
Biểu hiện gan nhiễm mỡ
Hầu hết gan nhiễm mỡ không có triệu chứng, chỉ tình cờ đi khám phát hiện ra. Một số dấu hiệu gan nhiễm mỡ khi bệnh tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ: mệt mỏi, chán ăn, gan to.
Khi tình trạng xơ gan xuất hiện, có thể có các triệu chứng:
- Vàng da vàng mắt;
- Các sao mạch xuất hiện;
- Lòng bàn tay son;
- Cổ trướng (dịch ổ bụng);
- Lách to...
Các biện pháp chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ sẽ dựa trên các kết quả xét nghiệm máu: Cholesterol, Triglycerid, thấy tăng các men gan AST, ALT, phosphatase kiềm.
Những trường hợp nghi ngờ xơ gan cần phải xét nghiệm thêm: đông máu cơ bản, Bilirubin, Albumin, protein máu; Xét nghiệm thêm virus viêm gan B, C để loại trừ viêm gan virus; Siêu âm ổ bụng: phương pháp đơn giản để chẩn đoán gan nhiễm mỡ. Sẽ thấy hình ảnh gan tăng âm trên siêu âm…; Có thể đo độ đàn hồi gan nếu nghi ngờ xơ gan.
Cần làm gì để cải thiện gan nhiễm mỡ?
Khi bị gan nhiễm mỡ ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ cần chú ý như sau:
- Thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng
Để làm giảm sự tổn thương ở gan và cải thiện sức đề kháng của insulin, giảm cân là việc cần thiết. Theo dõi cân nặng giúp điều chỉnh lượng chất béo tích tụ trong gan, tuy nhiên người bệnh không nên áp dụng chế độ ăn kiêng giảm cân quá khắt khe ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.
Thay vào đó nên tập thể dục điều độ kết hợp ăn uống khoa học giúp giảm cân an toàn. Tập thể dục hàng ngày trong khoảng 30 phút giúp tăng cường trao đổi chất và đốt cháy chất béo dư thừa. Tập thể dục đều đặn giúp bạn giảm cân và giữ trọng lượng trong mức kiểm soát. Chỉ cần cân nặng cơ thể hiện tại giảm bớt 10% sẽ giúp điều trị hiệu quả gan nhiễm mỡ cũng như giảm bớt nguy cơ xơ gan và viêm gan. Người bệnh có thể tư vấn ý kiến bác sĩ về phương pháp giảm cân phù hợp, an toàn.
- Thay đổi chế độ ăn uống khoa học
Cần thay đổi thói quen ăn uống khoa học, cẩn bỏ thói quen xấu có hại cho gan. Vì những gì đưa vào dạ dày đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe cho gan. Đó là lý do tại sao bắt buộc phải có một chế độ ăn uống lành mạnh chủ yếu từ thực vật bao gồm trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau và dầu thực vật, thực phẩm giàu axit béo omega-3 như: yến mạch, táo và quả việt quất, rau bina, cải xoăn, cải bắp, bông cải xanh và bắp cải, cá, óc chó và hạt lanh.. sẽ hỗ trợ cho gan hoạt động tốt và giúp gan làm việc không quá mức.
Những loại thực phẩm mà người bệnh gan nhiễm mỡ cần tránh gồm:
Các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol, mỡ động vật hoặc các chất béo như: các loại thịt đỏ như thịt cừu, thịt bò,…vì nếu ăn nhiều sẽ khiến cho lá gan phải hoạt động quá tải. Nếu không đào thải hết, những chất này sẽ tích tụ lại ở gan.
Hạn chế dùng các chất kích thích, các loại đồ uống có cồn đặc biệt nguy hiểm đối với người bệnh. Rượu bia sẽ nâng cao tỷ lệ chuyển biến từ gan nhiễm mỡ sang thành bệnh xơ gan và thậm chí là ung thư gan. Quá trình bài tiết mỡ cùng những chất có hại từ rượu bia sẽ là một vấn đề áp lực rất lớn đối với gan.
Hạn chế các loại gia vị cay nóng vì những loại thực phẩm này sẽ khiến cho lá gan bị nóng, không thể đào thải được các chất béo, lâu dần sẽ bị tích tụ lại gan.
- Nên dùng thức uống hỗ trợ chức năng gan
Bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh thì uống đủ nước cũng giúp tăng cường chức năng gan, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ do cơ thể đủ nước sẽ loại bỏ độc tố nhanh hơn.
Một số loại nước uống nên bổ sung vào chế độ ăn uống để giải độc, hỗ trợ gan, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ bao gồm: Trà atisô , trà hoa cúc, trà xanh,….
- Kiểm soát đường huyết
Người bị tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra đường huyết để quản lý tốt bệnh lý cũng như cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Đối với người khỏe mạnh cũng nên hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn uống hàng ngày và chú ý theo dõi đường huyết để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Một số loại thực phẩm người bị tiểu đường nên tránh xa như nước ngọt, bánh mì trắng, khoai tây chiên, nước trái cây, bánh quy, trái cây sấy khô …
Tóm lại: Gan nhiễm mỡ là vấn đề thường gặp, người bệnh cần được khám chuyên khoa để được chẩn đoán và đánh giá mức độ bệnh. Căn cứ trên kết quả khám, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp hỗ trợ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. Hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ cần được thực hiện nghiêm túc, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà không theo kê đơn của bác sĩ, tránh việc dùng thuốc không đúng làm ảnh hưởng đến sức khỏe.