Thông tin tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" 2023 cho biết, chúng ta đang đứng trước những thách thức toàn cầu về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu dinh dưỡng, những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, trong đó có việc sử dụng lãng phí nguồn nước. Chính vì vậy, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra thông điệp cho Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm 2023 là: “Nước là cuộc sống, nước là thức ăn. Không để ai bị bỏ lại phía sau!”.
PGS. TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, hiện có đến một phần tư dân số thế giới (với 2 tỷ người), sử dụng nước không an toàn và 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia căng thẳng về nước. Sự cạnh tranh để giành nguồn tài nguyên vô giá này ngày càng gia tăng, thậm chí dẫn đến xung đột ngày càng tăng do tình trạng khan hiếm nước.
Kết quả thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Nhân Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" năm 2023, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, người dân sử dụng hiệu quả nguồn nước, để góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường; đồng thời khuyến cáo các cơ sở, đơn vị tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng.
Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm nay, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 10 năm 2023 với chủ đề là "Sử dụng và bảo vệ nước sạch đúng cách để cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống" với các thông điệp:
1. Khuyến khích phát triển Vườn – Ao – Chuồng để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn.
2. Tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng.
3. Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ.
4. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảm đảm an toàn trong chế biến và bảo quản. Đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.
5. Sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt. Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể.
Toàn dân sử dụng hiệu quả nguồn nước để góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng, cải thiện sức khoẻ và bảo vệ môi trường.
Trong khuổn khổ Tuần lễ 'Dinh dưỡng và Phát triển, GS.TS. Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ: "Mặc dù, từ năm 2013, Việt Nam đã đào tạo cử nhân dinh dưỡng tiết chế khóa đầu tiên tại Đại học Y Hà Nội với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển hệ thống dinh dưỡng Việt Nam (VINEP), nhưng số lượng đào tạo còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Đến nay, chúng ta mới đào tạo được 730 cử nhân dinh dưỡng chính quy đã tốt nghiệp tại 8 cơ sở trên toàn quốc và một cơ sở thuộc hệ vừa học vừa làm.
Theo quy định của Bộ Y tế, với những bệnh viện có quy mô trên 100 giường bệnh phải thành lập khoa dinh dưỡng. Mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu một người làm chuyên môn về dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện tại mức trung bình của tất cả bệnh viện là 0,3 người. Cao nhất ở bệnh viện hạng đặc biệt là gần 1,7 người, bệnh viện hạng I là gần 1 người, hạng II là 0,25 người, hạng III là 0,17 người. Bệnh viện hạng IV không có ai.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những sai lầm kinh điển về dinh dưỡng cha mẹ hay mắc phải.