Chiều cao người Việt Nam có mức tăng nhanh
Theo GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kết quả tổng điều tra năm 2010 và điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm, chiều cao trung bình đạt được của nam thanh niên Việt Nam tăng 2,1cm so với năm 2000. Điều này có nghĩa là chiều cao của người Việt có mức tăng nhanh bởi từ năm 1975 đến năm 2000, chiều cao nam thanh niên chỉ tăng trung bình 1,1cm mỗi thập kỷ. Sự tăng trưởng chiều cao này thể hiện rõ nhất ở trẻ em. Năm 2000, chiều cao trẻ trai 5 tuổi của nước ta là 100,6cm thì năm 2010 là 109,9cm. Sự tăng trưởng này cũng hứa hẹn chắc chắn chiều cao của thanh niên Việt Nam các thế hệ sau sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng nếu xếp hạng chiều cao trong khu vực châu Á thì chiều cao của thanh niên Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn so với Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia. Chính vì vậy, để cải thiện chiều cao của người Việt hơn nữa, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời, từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, 1.000 ngày đầu đời và thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì.
Trẻ được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ sẽ phát triển tối đa chiều cao do gene quy định.
Hai giai đoạn phát triển chiều cao cần chú ý
ThS.BS. Trần Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng cho biết, trong cuộc đời mỗi con người, có hai thời kỳ lý tưởng để phát triển chiều cao chính là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời và thời kỳ tiền dậy thì, dậy thì. Ở hai giai đoạn này, nếu trẻ được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ thì có thể phát triển được tối đa chiều cao của bản thân trẻ.
Dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời: Đây là giai đoạn hiệu quả nhất để phát triển chiều cao cho trẻ. Dự đoán khi trẻ 3 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi nặng thì đến năm 18 tuổi trẻ chỉ cao 158cm nhưng nếu trẻ phát triển tốt, chiều cao lúc 3 tuổi đạt 94,5cm thì đến năm 18 tuổi, trẻ sẽ cao 170,9cm. Do đó, việc chăm sóc dinh dưỡng thời kỳ này rất quan trọng, phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: Bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày - nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).
Trong thời gian có thai người mẹ cần tăng cân từ 10 - 12kg, để sinh con có cân nặng khoảng 3.000 gam, uống viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất phòng chống thiếu máu thiếu sắt từ khi bắt đầu có thai cho tới 1 tháng sau đẻ. Khi sinh con bà mẹ cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 tiếng đầu tiên để trẻ được bú sữa non có giá trị dinh dưỡng cao, các kháng thể chống lại bệnh tật, dễ tiêu hóa với trẻ và giúp thải phân xu ra ngoài. Cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến 18-24 tháng tuổi. Từ tháng thứ 7, cùng với sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm (thức ăn bổ sung), số bữa ăn hàng ngày tùy theo tháng tuổi: 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng, 7-9 tháng ăn 2-3 bữa bột đặc, 10-12 tháng ăn 3-4 bữa bột đặc. Trẻ từ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Mỗi ngày uống 400-500ml sữa (nếu không có sữa mẹ).
Thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì: Tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam thông thường là 9-11 tuổi với nữ và 12-14 tuổi với nam. Lứa tuổi này, chiều cao của trẻ tăng rất nhanh, trẻ em gái tăng khoảng 6cm/năm và trẻ em nam tăng 7cm/năm hoặc hơn nữa nếu dinh dưỡng, vận động hợp lý. Khi đến tuổi dậy thì (12-13 đối với nữ và 15-16 đối với nam), sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Ở giai đoạn này, mỗi ngày, trẻ cần 2.200-2.600 calo, tương đương người trưởng thành. Để đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn 3 bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, sắt, vitamin A, C, canxi, kẽm... với chế độ ăn cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm.