Cải thiện chứng trào ngược dạ dày thực quản

02-03-2021 11:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý phổ biến, trong đó triệu chứng của bệnh nhân khá đa dạng nhưng gặp nhiều nhất là chứng nóng rát sau xương ức và có cảm giác dịch hoặc thức ăn trào lên.

Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt đối với bệnh lý này rất quan trọng và là bước đầu tiên trong quá trình quản lý toàn diện, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đối với chế độ ăn

Chế độ ăn nhiều dầu mỡ đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của bệnh trào ngược không gây viêm thực quản. Chế độ ăn nhiều chất béo cũng là yếu tố nguy cơ của Barrett thực quản, một bệnh lý mà khi có hình ảnh vùng niêm mạc biến đổi dài trên 3cm được coi là nguy cơ của ung thư thực quản. Trong khi đó, chế độ ăn uống nhiều rau có tác động phòng ngừa những bệnh lý này.

Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày khá đa dạng nhưng gặp nhiều nhất là chứng nóng rát sau xương ức và có cảm giác dịch hoặc thức ăn trào lên.

Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày khá đa dạng nhưng gặp nhiều nhất là chứng nóng rát sau xương ức và có cảm giác dịch hoặc thức ăn trào lên.

Trên thực tế, những bệnh nhân GERD có thể kèm theo nhiều triệu chứng tiêu hóa khác như chứng khó tiêu. Các thức ăn đóng hộp và rượu đã được nhiều nghiên cứu chứng minh làm tăng mức độ và tần suất xuất hiện triệu chứng khó tiêu. Điều này có thể do trong thức ăn đóng hộp có các thành phần được thêm vào để bảo quản hoặc giữ mùi vị, do pH của thức ăn và do nguyên liệu của hộp. Các thức ăn giàu chất béo khiến áp lực của cơ thắt thực quản dưới, được coi là hàng rào bảo vệ sinh lý chống hiện tượng trào ngược, bị giảm đi. Khi bệnh nhân ăn một bữa ăn nhiều chất béo, thời gian thực quản tiếp xúc với dịch acid sẽ nhiều hơn so với ăn bữa ăn thông thường.

Socola cũng là một loại thức ăn có thể làm nặng hơn triệu chứng trào ngược ở một số bệnh nhân. Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh socola làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới và kéo dài hơn thời gian niêm mạc thực quản tiếp xúc với dịch acid từ dạ dày, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được lợi ích cải thiện triệu chứng nếu ngừng ăn socola.

Nhiều nghiên cứu tìm ra những thực đơn giúp cải thiện triệu chứng GERD, đặc biệt đối với những bệnh nhân có nhiều bệnh lý phối hợp. Chẳng hạn những bệnh nhân có cả bệnh lý viêm ruột mạn tính (IBD), chế độ ăn không có gluten đã chứng minh có tác dụng cải thiện cả triệu chứng của IBD và GERD. Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải nhiều rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, cá, dầu ô liu, ít rượu, sản phẩm từ sữa vừa phải và ít thịt đỏ đã chứng minh có ích lợi đối với các bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường.

Đối với thói quen sinh hoạt

Các nghiên cứu đã chứng minh, những thói quen như ngủ ít, ăn tối muộn và ngủ trong vòng 2 tiếng sau ăn, ăn thêm bữa khuya trước khi ngủ làm triệu chứng trào ngược nặng hơn.

Bác sĩ thường sẽ hướng dẫn bệnh nhân tối nằm ngủ kê cao vai để làm giảm thời gian và tần suất dịch vị trào ngược lên thực quản. Khi so với nhóm bệnh nhân vẫn nằm đầu bằng, một số nghiên cứu đã chỉ ra ở nhóm kê cao vai, thời gian làm sạch dịch acid ở thực quản nhanh hơn và bệnh nhân ít có các cơn trào ngược hơn. Ngược lại, những bệnh nhân nằm nghiêng phải có thể có triệu chứng GERD nặng hơn do ở tư thế này, vị trí của túi acid sẽ gần hơn với vùng nối giữa thực quản và dạ dày. Các bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ thường cũng có triệu chứng trào ngược nặng nề hơn.

Đối với những bệnh nhân béo phì có GERD, giảm cân là chiến lược quan trọng trong việc quản lý triệu chứng GERD. Áp lực ổ bụng tăng ở những bệnh nhân béo phì làm vùng nối giữa thực quản và dạ dày không thể khít được như bình thường (hiện tượng thoát vị hoành). Ngoài ra, béo phì gây những biến đổi trong nhu động thực quản và các nghiên cứu đã chứng minh giảm cân giúp làm giảm thời gian thực quản tiếp xúc với acid. Các tài liệu trong y văn đã tổng kết lại bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) càng cao, khi đo pH thực quản càng phát hiện nhiều đợt trào ngược dịch acid lên thực quản và tương ứng với trên lâm sàng, bệnh nhân triệu chứng nặng hơn.

Như vậy, bên cạnh nhìn nhận trào ngược dạ dày thực quản như một bệnh lý cần điều trị thuốc đơn thuần, sự hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sẽ giúp tối ưu hóa liều thuốc sử dụng cũng như quản lý toàn diện cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và hạn chế các biến chứng của bệnh.


TS.BS. Đào Việt Hằng
Ý kiến của bạn