Cải thiện chứng nóng rát, buồn nôn, ợ chua, khó nuốt do trào ngược axit khi mang thai

25-08-2022 07:15 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Trào ngược axit là hiện tượng thường gặp trong thai kỳ. Những triệu chứng khó chịu như nóng rát, buồn nôn, ợ chua, khó nuốt… khiến thai phụ rất mệt mỏi. Vậy nguyên nhân là gì và cách khắc phục như thế nào?

1. Trào ngược axit là gì?

Theo các chuyên gia tiêu hoá, trào ngược axit là hiện tượng xảy ra khi một phần axit trong dạ dày trào lên thực quản. 

Đây là triệu chứng thường gặp ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi một người có biểu hiện trào ngược axit thường xuyên sẽ được chẩn đoán xác định trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược axit thường gây các triệu chứng khó chịu như: cảm giác nóng rát ở giữa ngực, ợ chua, có thể kèm theo một số biểu hiện khác như: buồn nôn, khó nuốt, khàn tiếng, ho…

Trào ngược axit hay trào ngược dạ dày thực quản kéo dài không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

- Viêm thực quản: Niêm mạc thực quản bị viêm, gây kích ứng, chảy máu và loét trong một số trường hợp.

- Hẹp thực quản: Tổn thương do axit dạ dày gây ra dẫn đến hình thành sẹo và khó nuốt, thức ăn bị mắc kẹt khi đi xuống thực quản

- Barrett thực quản: Một biến chứng nghiêm trọng khi tiếp xúc nhiều lần với axit dạ dày gây ra những thay đổi trong các tế bào và mô lót thực quản có khả năng phát triển thành tế bào ung thư.

Cách cải thiện trào ngược axit ở phụ nữ mang thai - Ảnh 2.

Hình ảnh trào ngược axit dạ dày thực quản.

2. Nguyên nhân gây trào ngược axit khi mang thai

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến trào ngược axit bao gồm: béo phì, ít vận động, hút thuốc (chủ động hoặc thụ động), sử dụng một số loại thuốc điều trị hen suyễn, thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau, thuốc an thần…

Trào ngược axit cũng thường xảy ra ở phụ nữ mang thai. Hầu hết tình trạng này sẽ khỏi sau khi em bé được sinh ra.

Theo BS CKI Đỗ Thị Thuỷ, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, trào ngược axit xảy ra trong thai kỳ có thể do một số nguyên nhân sau:

- Sự thay đổi hormone ảnh hưởng đến áp suất trong cơ vòng thực quản, kết nối thực quản với dạ dày. Điều này khiến axit từ dạ dày trào lên thực quản (ống dẫn thức ăn).

- Bản thân tử cung có thể gây ra trào ngược axit bằng cách tạo áp lực lên dạ dày, khiến thức ăn trào lên thực quản.

- Các khía cạnh khác của thai kỳ như thay đổi nhu động ruột hoặc thuốc mà thai phụ dùng trong thai kỳ, cũng có thể đóng một vai trò trong việc gây ra trào ngược axit.

Cách cải thiện trào ngược axit ở phụ nữ mang thai - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai dễ bị trào ngược axit.

3. Cách cải thiện những triệu chứng khó chịu của trào ngược axit trong thai kỳ

3.1. Gặp bác sĩ

Điều đầu tiên và quan trọng đối với phụ nữ mang thai là cần được khám theo dõi sức khoẻ và quản lý thai kỳ đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu có biểu hiện trào ngược axit gây nhiều khó chịu, mệt mỏi cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị hỗ trợ phù hợp.

3.2. Thay đổi lối sống

Trong phần lớn các trường hợp, việc đầu tiên cần làm là thay đổi lối sống và thói quen ăn uống như: vận động nhẹ nhàng thường xuyên, không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá, không uống rượu bia, không mặc quần áo chật, cố gắng thư giãn…

3.3. Thay đổi thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống có thể có ảnh hưởng lớn đến trào ngược axit. Những thay đổi sau có thể giúp cải thiện hiệu quả tình trạng này. Phụ nữ mang thai nên:

  • Ăn các bữa nhỏ hơn, đều đặn hơn trong ngày
  • Ngồi thẳng lưng khi ăn để thức ăn đi xuống thực quản dễ dàng hơn
  • Tránh ăn quá no
  • Tránh ăn khuya
  • Chờ ít nhất 2 giờ sau bữa ăn mới nên đi ngủ

Ngoài ra cần chú ý hạn chế một số thực phẩm có thể gây chứng ợ nóng như: Trái cây chứa nhiều axit như trái cây họ cam quýt; Cà phê, các loại đồ uống có gas hoặc nước ngọt; Chất béo và đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay, cà chua; sôcôla…

3.4. Thay đổi tư thế ngủ

Tư thế ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến cơ chế gây trào ngược axit. Nếu tình trạng trào ngược axit xảy ra vào ban đêm, bạn nên nâng cao phần đệm gối đầu và vai cao hơn ở mức vừa đủ giúp thức ăn di chuyển xuống dưới, nhưng vẫn ở tư thế có thể ngủ thoải mái.

Cách cải thiện trào ngược axit ở phụ nữ mang thai - Ảnh 5.

Nằm gối đầu cao giúp hạn chế trào ngược axit.

Bác sĩ Đỗ Thị Thuỷ lưu ý: Nếu thực hiện các biện pháp trên mà tình trạng trào ngược vẫn không cải thiện, phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra cẩn thận và tư vấn biện pháp điều trị đúng cách. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc sẽ không an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Trào ngược dạ dày thực quản, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trịTrào ngược dạ dày thực quản, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý về đường tiêu hóa phổ biến tại Việt Nam. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và để lại những tổn thương nghiêm trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm

Bộ Y tế kiến nghị nhiều chế độ đãi ngộ mới cho cán bộ, nhân viên y tế.


Thu Phương
Ý kiến của bạn