Biểu hiện thiếu máu dinh dưỡng
Người bị thiếu máu dinh dưỡng thường mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi lao động gắng sức, da xanh xao, niêm mạc mắt, lợi và da lòng bàn tay nhợt nhạt...
Nguyên nhân gây bệnh là do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu, trong đó chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu do thiếu sắt thường xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn nghèo nàn, thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu sắt; sử dụng chất ngăn cản hấp thu sắt; Phụ nữ mất máu khi hành kinh, khi sinh đẻ…
Dinh dưỡng phòng và điều trị thiếu máu
Ăn đủ chất
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa thiếu máu dinh dưỡng cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể: Ăn đa dạng và đảm bảo ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, bao gồm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.
Bổ sung thực phẩm giàu sắt
Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, chứa nhiều sắt như: thịt, gan, trứng, tiết; các loại rau như dền, ngót, muống, đậu đỗ các loại đậu.
Tăng cường thực phẩm giúp hấp thu sắt
Tăng cường rau xanh và các loại quả tươi giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối...) để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn, chỉ nên uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu sắt.
Với phụ nữ mang thai và cho con bú
Phụ nữ khi mang thai phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống bổ sung viên sắt và acid folic theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Sau khi sinh cần cho trẻ bú sớm, thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất sắt từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm.