Bệnh đau xơ cơ là một rối loạn thần kinh cảm giác với đặc trưng là đau cơ lan rộng, cứng khớp và mệt mỏi. Bệnh diễn tiến mạn tính liên tục, cơn đau đến, di chuyển khắp cơ thể và lại hết đau. Bệnh này thường bị chẩn đoán nhầm hoặc không được chẩn đoán và khá phức tạp bởi các rối loạn tâm lý, lo lắng của bệnh nhân.
Phải chăng đau do nhạy cảm?
Đến nay, nguyên nhân của bệnh vẫn chưa biết, có một vài giả thuyết đang nghiên cứu cho rằng đau do “trung tâm nhạy cảm”. Theo đó, các bệnh nhân đau xơ cơ tăng nhạy cảm trong não với các tín hiệu đau cụ thể do thiếu hụt serotonin làm giảm ngưỡng đau dẫn đến tăng cảm giác đau và rối loạn giấc ngủ. Nhiều thống kê cho biết: đau xơ cơ ảnh hưởng đến khoảng 3 - 5% phụ nữ, độ tuổi từ 20 - 50, nhưng chỉ 0,5 - 1,6% nam giới. Nhưng một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ thực tế cao hơn rất nhiều, rằng đau xơ cơ phổ biến ở người lớn hơn trẻ em, phụ nữ bị bệnh gấp 9 lần nam giới.
Sơ đồ các điểm đau trong bệnh đau xơ cơ.
Đau phức tạp và bệnh nhân có thể tự biết bệnh
Những người bị bệnh đau xơ cơ thường có 3 triệu chứng chính: đau cơ khớp, cứng khớp và mệt mỏi. Đau cơ mạn tính, co thắt cơ. Mệt mỏi và giảm năng lực hoạt động. Mất ngủ hoặc ngủ dậy cảm thấy mệt mỏi. Bệnh nhân thường thấy cứng người khi thức dậy hoặc sau khi ở một tư thế quá lâu. Về mặt trí tuệ, bệnh nhân rất khó khăn trong việc ghi nhớ, tập trung và thực hiện nhiệm vụ đơn giản về trí não. Đau đầu căng thẳng hoặc đau nửa đầu. Đau hàm và mặt. Bệnh nhân cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm. Tê hoặc ngứa ran ở mặt, cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân. Tuy không bị sưng nhưng bệnh nhân lại có cảm giác sưng ở bàn tay và bàn chân. Có những điểm đau khu trú ở cơ, dây chằng, chỗ bám gân, nếu ấn vào điểm đó sẽ thấy đau. Trong bệnh đau xơ cơ, hay gặp đau lưng, ít khi thấy đau bàn tay, khám không thấy dấu hiệu tổn thương khớp, điều trị bằng thuốc chống đau ít kết quả. Đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, táo bón xen kẽ với tiêu chảy. Nhạy cảm với một hoặc nhiều yếu tố gồm: mùi hôi, tiếng ồn, ánh sáng, thuốc men, thực phẩm và thời tiết lạnh.
Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc có thể giúp giảm cơn đau của bệnh và cải thiện giấc ngủ. Các thuốc có thể dùng gồm: thuốc giảm đau như paracetamol, diclofenac, aspirin... có thể giảm bớt đau và cứng khớp gây ra bởi bệnh đau cơ xơ. Các loại thuốc chống viêm không steroid khác như ibuprofen, naproxen có thể được dùng kết hợp với các thuốc khác để tăng hiệu lực giảm đau cho bệnh nhân. Thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm đau và mệt mỏi, giúp bệnh nhân ngủ ngon. Thuốc chống động kinh: cần được dùng để điều trị chứng động kinh thường hữu ích trong việc giảm một số loại đau đớn.
Luyện tập, dinh dưỡng phòng bệnh
Đối với bệnh đau xơ cơ, vì chưa biết nguyên nhân gây bệnh nên cũng chưa thể đề ra phương pháp phòng bệnh hiệu quả. Bệnh nhân cần thực hiện một chế độ luyện tập thể dục đều đặn vừa sức để tăng cường dinh dưỡng cho các nhóm cơ, phòng tránh teo cơ và rất có tác dụng hạn chế bệnh tiến triển. Tập đều đặn còn có tác dụng giúp bệnh nhân có chất lượng giấc ngủ tốt hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc dùng vitamin các loại nhất là vitamin nhóm B, C và khoáng chất bổ sung có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và tăng cường cung cấp năng lượng cho hệ cơ xương. Bệnh nhân cũng cần có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các loại thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, giàu vitamin như rau xanh, trái cây các loại. Giấc ngủ cần đảm bảo để giảm thiểu triệu chứng đau và hạn chế bệnh nặng lên. Việc phục hồi chức năng có vai trò quan trọng, vì thế, bệnh nhân cần phải được hướng dẫn luyện tập để tái thích ứng với lao động. Liệu pháp vận động nhẹ nhàng, nên kết hợp tắm ngâm nước nóng, xoa bóp, thư giãn, chườm nóng tại chỗ... có tác dụng hoạt hóa hệ thống endorphin làm giảm đau và ổn định trạng thái tâm lý cho bệnh nhân.
Trường Đại học thấp khớp Mỹ đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán đau xơ cơ là: đau toàn thân trên 3 tháng: đau cơ hai bên, đau ở trên và dưới thắt lưng và đau cột sống. Có điểm đau khi ấn vào ở ít nhất 11/18 điểm sau: chẩm hai bên, điểm đau ở chỗ bám cơ dưới chẩm; đoạn dưới cột sống cổ: hai bên, điểm đau ở mặt trước C5-C7; Cơ thang: hai bên, điểm đau ở giữa bờ trên; Cơ trên gai: hai bên, điểm đau ở nguyên ủy, trên gai xương vai, gần bờ trên; Xương sườn 2: hai bên, điểm đau ở chỗ nối tiếp sụn – sườn xương sườn 2; Mặt trên mỏm trên lồi cầu: hai bên, điểm đau cách mỏm trên lồi cầu 2cm; Mông: hai bên, điểm đau ở 1/4 trên ngoài mông, ở nếp trước cơ; Mấu chuyển lớn: hai bên, điểm đau ở sau phần lồi mấu chuyển; Đầu gối: hai bên, điểm đau ở phần giữa tổ chức mỡ gần khe khớp gối. Chúng ta có thể tham khảo các tiêu chuẩn này để tự phát hiện bệnh cho bản thân.
ThS. Phạm Thanh Xuân