Cải thiện chiều cao - ưu tiên hàng đầu

15-05-2009 17:20 | Thời sự

Suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi là một dạng SDD khá phổ biến tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Chiến lược dinh dưỡng quốc gia đặt ra là việc hạ thấp tỷ lệ SDD trẻ em thể thấp còi xuống mức dưới 30% vào năm 2010.

Suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi là một dạng SDD khá phổ biến tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Chiến lược dinh dưỡng quốc gia đặt ra là việc hạ thấp tỷ lệ SDD trẻ em thể thấp còi xuống mức dưới 30% vào năm 2010. Đây được coi là một trong những mục tiêu của ngành y tế trong việc từng bước cải thiện chiều cao của người Việt.

 Đo chiều cao của trẻ.

Hiện nay, SDD thể thấp còi của trẻ em Việt Nam đang ngày một trở nên hết sức nghiêm trọng, bởi tình trạng này đang phổ biến tại tất cả các vùng sinh thái trên cả nước, ở mức 33,9%, trong khi các nguồn lực để hạ thấp tỷ lệ SDD chiều cao còn rất hạn chế. Các giải pháp can thiệp quan trọng để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là SDD thấp còi còn rất thiếu về nguồn lực. Đặc biệt là các nguồn lực hỗ trợ cho việc cải thiện chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai (tập trung giảm thiếu máu và tăng cân của bà mẹ khi mang thai) và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong 2 năm đầu đời.

SDD thấp còi là một dạng SDD mạn tính, để lại hậu quả lâu dài về thể chất, dễ mắc phải các bệnh khi trưởng thành như: thừa cân béo phì, đái tháo đường, và một số bệnh truyền nhiễm khác. Bên cạnh đó, SDD thấp còi cũng một trong những yếu tố có liên quan chặt chẽ đến tử vong của trẻ em. Bởi vậy, hiện nay việc giảm tỷ lệ SDD thấp còi đang là một mục tiêu vô cùng quan trọng trong Chiến lược dinh dưỡng quốc gia để cải thiện tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Trong thời gian qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia (VDD) đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển thể lực của trẻ em Việt Nam như: Nghiên cứu phát triển thể lực, tình trạng dinh dưỡng và tuổi dậy thì của trẻ em theo chiều dọc đã được VDD triển khai tại 2 quận nội thành Hà Nội (Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm). Với mục đích theo dõi phát triển thể lực và những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong những năm đầu của thập kỷ 80 khi điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, chế độ dinh dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu của bà mẹ khi mang thai, trẻ bị SDD thể thấp còi rất sớm, ngay từ tháng thứ nhất (6,3% nam và 4,8% nữ).  Trong năm đầu tiên hầu hết trẻ được bú mẹ và tỷ lệ SDD thể thấp còi của trẻ cả nam và nữ dưới 20%, tuy nhiên tỷ lệ này cũng như thể SDD nhẹ cân tăng dần khi tuổi của trẻ tăng lên. Tỷ lệ SDD của trẻ đặc biệt cao ở lứa tuổi từ 18-24 tháng (59,4% nam và 58,3% nữ bị SDD thể còi ở tháng thứ 21).

Các hoạt động Chương trình Dinh dưỡng đang triển khai và sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam bao gồm:
Tăng cường chăm sóc phụ nữ độ tuổi sinh đẻ đặc biệt chú ý đến phụ nữ thời kỳ mang thai và cho con bú.
Thực hiện giáo dục tư vấn dinh dưỡng thay đổi hành vi.
Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ.
Bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ em, bổ sung muối iốt cho cộng đồng.
Đẩy mạnh giáo dục nuôi dưỡng trẻ em, tập trung vào giáo dục lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung của trẻ.
Chăm sóc phòng chống nhiễm khuẩn ở trẻ em.

Năm 1997-1999, VDD lại triển khai theo dõi phát triển chiều cao và tình trạng dinh dưỡng của 400 trẻ từ sơ sinh đến 24 tháng tuổi tại 2 quận Hoàn kiếm và Hai Bà Trưng, những trẻ này được sinh ra trong những năm cuối của thập kỷ 90, có điều kiện kinh tế và mức sống tốt hơn so với thập kỷ 80. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em Hà Nội sinh ra trong cuối thập kỷ 90, điều kiện kinh tế xã hội khá hơn và cách thức nuôi dưỡng trẻ hợp lý hơn, có tình trạng dinh dưỡng tốt hơn hẳn nhóm trẻ trong nghiên cứu trước. Trẻ em bị SDD muộn hơn, với tỷ lệ SDD thấp hơn so với nghiên cứu trước và đặc biệt là phát triển chiều cao tốt hơn. Có gia tốc tăng trưởng chiều cao ( ) tức là sau gần 2 thập kỷ chiều cao của trẻ em Hà Nội tăng được khoảng 3-4 cm. Đây là những dấu hiệu rất khả quan, minh chứng cho việc nếu được quan tâm chăm sóc dinh dưỡng tốt trẻ em có thể phát triển chiều cao tốt hơn và tầm vóc người Việt Nam sẽ từng bước được cải thiện.

Trong thời gian tới, với mục tiêu đặt ra là giảm khoảng 1%/năm cho SDD thể nhẹ cân và 1,2%/năm cho SDD thấp còi, (so với các nước trong khu vực là khoảng 0,3-0,5%/năm), Chiến lược dinh dưỡng quốc gia sẽ tập trung vào các hoạt động như: tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc Chương trình dinh dưỡng đang triển khai rộng khắp trên toàn quốc hiện nay, triển khai các nghiên cứu về phát triển chiều cao và giảm SDD thấp còi ở trẻ em, đồng thời xây dựng đề án giảm SDD thấp còi với các giải pháp đồng bộ, tập trung ưu tiên cho các tỉnh khó khăn, những vùng có tỷ lệ SDD cao. Đây được coi là các giải pháp tối ưu nhưng để thực hiện được mục tiêu, đòi hỏi cần hơn nữa những nỗ lực của ngành y tế và nguồn lực từ chính phủ, nguồn lực hỗ trợ từ các địa phương trong việc từng bước cải thiện sức khỏe và tầm vóc của trẻ em Việt Nam.


Ý kiến của bạn