Hiện nay, rất nhiều phụ huynh vì quá lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm so với các bạn đồng trang lứa nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng này cho trẻ sử dụng. Chưa tính đến việc những loại thực phẩm chức năng này có giúp trẻ tăng chiều cao “thần kỳ” như lời quảng cáo hay không, nhưng việc cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất.
Việc phụ huynh theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ, đánh dấu trên biểu đồ tăng trưởng là rất quan trọng. Nếu biểu đồ tăng trưởng đi xuống hoặc đi ngang, hay điểm cân nặng, chiều cao nằm ở kênh thấp nhất, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị đúng phác đồ.
Việc điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone cần phải tuân thủ điều trị tốt, tái khám định kỳ để kịp thời điều chỉnh liều thuốc phù hợp với thể trạng của trẻ, bên cạnh đó trẻ cần được phối hợp các biện pháp khác như dinh dưỡng, vận động thể lực để hỗ trợ quá trình tăng trưởng. Vì vậy, phụ huynh không tự ý bổ sung canxi hoặc các thực phẩm chức năng, phải đưa trẻ đi khám đúng chuyên khoa để được theo dõi lâu dài với một bác sĩ chuyên khoa nhất định để trẻ được chẩn đoán đúng và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Một trường hợp cụ thể, bé N.V.T.D., lúc 10 tuổi, cân nặng 28kg, cao 117cm (so với chuẩn chiều cao trung bình bé D còn thiếu 15cm). Thấy con trai quá thấp bé và mặt quá non so với các bạn đồng trang lứa, mẹ bé D thường mua canxi và các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao để cải thiện chiều cao cho con.
Năm 2018, chị H đã đưa con đến BV.ĐH Y Dược TP.HCM tầm soát với chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng. Trước đây mỗi năm chiều cao của bé chỉ tăng lên được 3cm. Hiện tại chiều cao của bé đã cải thiện rõ rệt, sau 14 tháng tiêm hormone tăng trưởng, bé đã tăng lên 12cm.
Một trường hợp khác, thấy con thấp bé so với các bạn cùng trang lứa, nghĩ do mức tăng trưởng của con chậm nên bà mẹ nhà ở Đồng Nai đã mua các loại thuốc bổ sung canxi về cho con uống, tuy nhiên tình trạng không cải thiện. Mỗi năm bé chỉ cao lên được tối đa 3cm. Đến lúc con 10 tuổi, mẹ bé mới bắt đầu thấy lo lắng và đưa đi khám. Cũng tại BV. ĐH Y Dược TP.HCM, các bác sĩ đã chẩn đoán bé bị thiếu hormone tăng trưởng và sau thời gian điều trị, chiều cao của bé đã cải thiện đáng kể.
101 nguyên nhân chậm tăng trưởng
Bình thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25cm. Trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 5cm.
Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Hậu quả là trẻ sẽ thấp hơn so với các bạn cùng lứa. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, sự chênh lệch về chiều cao sẽ ngày càng nhiều, gây nên tâm lý mất tự tin khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành và tất nhiên cũng gây nên nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng,...
Cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt dinh dưỡng, trong những năm đầu đời của trẻ
Theo nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4.000.Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não), một số khác không xác định được nguyên nhân.
Tại BV. ĐH Y Dược TP.HCM, chương trình tầm soát chậm tăng trưởng của năm 2018 đã tầm soát cho 300 trẻ có chiều cao dưới độ lệch chuẩn hoặc tốc độ tăng trưởng giảm dựa trên các xét nghiệm định hướng nguyên nhân của chậm tăng trưởng. Sau xét nghiệm sàng lọc nguyên nhân, có 65 bé đã được thực hiện nghiệm pháp vận động, trong đó có 16 bé nằm trong chuẩn thực hiện nghiệm pháp hạ đường huyết bằng insulin hoặc nghiệm pháp kích thích bằng glucagon, sau đó có 05 bé đã được chụp MRI não.
Hiện tại, bệnh viện cũng đang điều trị 4 bé chậm tăng trưởng chiều cao bằng hormone tăng trưởng (trong đó có 3 bé được chẩn đoán mắc bệnh thiếu hormone tăng trưởng đơn độc và một bé được chẩn đoán suy tuyến yên). Sau thời gian từ 3 - 6 tháng điều trị, các bé đáp ứng với thuốc điều trị tốt, trung bình mỗi bé cao thêm 0,8 - 1cm/mỗi tháng.
Việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn cho những trẻ nhỏ được điều trị chuyên khoa Nội tiết nhi và khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên sẽ được điều trị tại chuyên khoa Nội tiết người lớn. Việc phát hiện sớm, tìm được nguyên nhân, có hướng điều trị đúng và kịp thời sẽ giúp cải thiện quá trình tăng trưởng chiều cao cho trẻ đạt hiệu quả.
Để điều trị hiệu quả và cải thiện chiều cao, tốt nhất là bé được phát hiện sớm chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng khi tuổi còn nhỏ.
Việc chẩn đoán đúng cần các bác sĩ chuyên khoa nội tiết khảo sát về rối loạn hormone, đồng thời có sự phối hợp với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh khảo sát tuổi xương và rối loạn tuyến yên. Sau khi tổng hợp các dữ kiện, bác sĩ Nội tiết sẽ có chẩn đoán xác định chính xác chậm tăng trưởng có do giảm hormone tăng trưởng hay không để chỉ định điều trị.
Giai đoạn đầu bác sĩ chuyên khoa nội tiết Nhi sẽ chỉ định dùng bổ sung hormone tăng truởng cho bé và theo dõi tới tuổi thiếu niên. Khi bé đã lớn, trong giai đoạn chuyển tiếp thành người lớn bé sẽ được đánh giá lại rối loạn hormone tăng trưởng, nếu còn rối loạn bé sẽ được giới thiệu sang các bác sĩ nội tiết người lớn tiếp tục điều trị lâu dài.
-50% nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt còn hạn chế là dinh dưỡng và rèn luyện thể lực. Bộ trưởng Y tế cho rằng để cải thiện chiều cao của người Việt Nam cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
PHƯƠNG NGHI