Dễ vì không có gì tự nhiên bằng việc ta bất chợt có cảm xúc để khơi nguồn cho việc sáng tác. Khó vì cảm hứng là một cái gì đó thật khó để nắm bắt, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. May mắn thay, ở chính ranh giới khó và dễ ấy, có một thứ đã mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ trẻ hiện nay, đó chính là âm nhạc truyền thống.
Với những nỗ lực không ngừng, Tân Nhàn muốn đem âm nhạc truyền thống đến với khán giả qua nhiều góc độ khác nhau để có thêm nhiều đối tượng thưởng thức.
Khai thác để... bảo tồn
Một thứ di sản phi vật thể như âm nhạc truyền thống, không ngừng khai thác có lẽ là cách bảo tồn hiệu quả nhất. Dù mỗi người một cách tiếp cận, nhưng thông qua lăng kính của các nghệ sĩ, chất dân gian sẽ làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt Nam. Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn - người đã góp sức không nhỏ trong công cuộc bảo tồn và phát huy chất liệu dân gian trong âm nhạc đương đại, điệu kèn đám ma - thứ anh từng đưa vào sáng tác của mình, “không phải là âm thanh sầu thảm mà là dòng chảy tâm linh đầy sức mạnh”. Có người lầm tưởng đó là một trò “gây sốc” của giới nghệ sĩ nhằm lôi kéo sự chú ý của giới truyền thông. Thực chất đây chính là bước đi đánh dấu một xu hướng sáng tạo mới của một số nhạc sĩ trẻ, đó là lấy chất liệu của văn hóa dân gian làm cảm hứng sáng tác.
Nhìn lại con đường âm nhạc của Lê Minh Sơn mới thấy, chất liệu truyền thống đã được anh ấp ủ từ những sáng tác cách đây rất lâu. Những nhạc phẩm như: Cò về phố, Ôi quê tôi, Chuồn chuồn ớt… đều ít nhiều tìm thấy dấu vết của chất liệu dân gian trong ca từ. Bên cạnh Lê Minh Sơn còn có Nguyễn Vĩnh Tiến. Ca khúc Bà tôi của anh một thời “làm mưa, làm gió” trên các sân khấu ca nhạc thể hiện đậm đặc yếu tố dân gian từ ca từ đến nhạc điệu. Nhưng sau thành công của Lê Minh Sơn hay Nguyễn Vĩnh Tiến, liệu nghệ sĩ trẻ thời nay có còn giữ được nhịp thở âm nhạc dân gian trong sản phẩm của họ?
Với việc phát hành album CD Níu dải lụa đào, ca sĩ Tân Nhàn đã khẳng định sự sáng tạo không ngừng của mình trong nghệ thuật khi tiếp tục thử sức mình với âm nhạc truyền thống. Sản phẩm này đã gây sự chú ý của giới chuyên môn cũng như đông đảo khán giả trong những ngày gần đây.
Album gồm hai bài chèo cổ Đào liễu, Duyên phận phải chiều, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - một bài hát văn nổi tiếng dựa trên lời thơ của Nguyễn Duy; các làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng Tương phùng tương ngộ, Lúng liếng, Ngồi tựa song đào; bài xẩm chợ Mục hạ vô nhân lời thơ Nguyễn Khuyến, giá văn Cô đôi thượng ngàn lời cổ. Trong album, Tân Nhàn có phần thể hiện khá đặc biệt bài hát văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cùng NSƯT Đình Cương - nghệ sĩ chèo nổi tiếng.
Để thực hiện được album, Tân Nhàn cũng đã miệt mài suốt 2 năm lặn lội đi tìm các nghệ nhân ở các vùng miền để “tầm sư học đạo”. Cô không giấu tham vọng muốn được chắt lọc tinh túy từ thế hệ đi trước để có thể chuyển tải vào album theo cách hát, cái hồn của riêng mình. Tân Nhàn chia sẻ: “Có đi sâu vào lĩnh vực âm nhạc truyền thống mới thấy rằng những khán giả đã yêu nghệ thuật truyền thống thì say mê và trung thành lắm. Tôi thấy mình không nhiều khán giả, nhưng lại là những khán giả thực sự chung thủy và với tôi đó là nguồn cảm hứng bất tận để tôi không ngừng cống hiến”.
Hiện tại, với vai trò một giảng viên, một nghiên cứu sinh âm nhạc, Tân Nhàn muốn nghiên cứu âm nhạc truyền thống qua nhiều góc độ khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. Với những nỗ lực không ngừng, Tân Nhàn muốn đem âm nhạc truyền thống đến với khán giả qua nhiều góc độ khác nhau để có thêm nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau.
Sức hút của chất liệu truyền thống trên sân chơi âm nhạc
Có thể nói, nhạc đương đại lấy chất liệu từ nghệ thuật truyền thống giờ đây đang trở thành xu thế trong các sáng tác của những nghệ sĩ trẻ. Có thể là ý tưởng bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích, những tích truyện hoặc những nhân vật đã nổi tiếng trong các tác phẩm văn học. Đây cũng chính là một cách bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa âm nhạc truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian.
Gần đây, trong các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc hay các cuộc thi âm nhạc dành cho nhóm thí sinh nhí, chất liệu âm nhạc dân tộc luôn luôn là một thách thức để “so găng” giữa các thí sinh, nhất là trong những phần thi quan trọng. Dễ thấy nhất là hiện tượng của MV Bống bống bang bang (sáng tác của OnlyC) - một ca khúc trong nhạc phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể ra mắt khán giả vào đúng dịp Quốc tế Thiếu nhi năm 2016. Tác phẩm có sự kết hợp dòng nhạc điện tử hiện đại cùng tiết tấu vui nhộn, sôi động; hoạt cảnh, trang phục đậm màu sắc dân gian được lấy cảm hứng từ những nhân vật được yêu thích trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt như Trạng Tí, Dần Béo, Cả Mẹo... Đã gần 2 năm trôi qua, Bống bống bang bang vẫn là ca khúc “hot”, chiếm được cảm tình của người nghe, người xem. Không những thế, đây còn là ca khúc được sử dụng nhiều nhất trong việc làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, nhạc thể dục đầu giờ và giữa giờ tại nhiều trường học.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng nói, trong mỗi thời đại, các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay, khi âm nhạc giải trí tiếp thu mạnh mẽ những yếu tố như tiết tấu, hòa thanh, nguồn âm điện tử thì âm nhạc dân tộc cổ truyền đứng trước sức ép vô cùng lớn, nên không có điều kiện thể hiện hết những giá trị dân tộc và hiện đại trong thể loại của mình, đồng thời cũng mất đi một số lượng đáng kể khán thính giả ham mê thể loại này.
Có lẽ, mong mỏi của thế hệ đi trước đang dần trở thành hiện thực khi mà chất liệu truyền thống đang được nghệ sĩ trẻ khai thác mạnh mẽ. Sẽ là không quá lời khi nhận định, nhạc Việt trong tương lai sẽ còn vươn xa nhờ một thế hệ trẻ biết phát huy và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống.