Chỉ tính từ ngày 19/7 đến nay, Bệnh viện U bướu Hà Nội đã tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, lở loét các khối u, di căn đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể với tiên lượng rất xấu. Nguyên nhân chính dẫn đến việc bệnh ngày càng lành ít dữ nhiều này rất đáng tiếc lại do chính bệnh nhân không tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ, đã lặn lội tìm kiếm những bài thuốc không chính thống từ các ông lang, bà thày... để khi ân hận thì đã quá muộn.
Đã cạn nước để tát
Đứng lặng lẽ bên ngoài cửa kính, dán chặt ánh mắt nhìn con thân hình chỉ còn da bọc xương, nằm mỏng dính trên giường bệnh của khoa Hậu phẫu, bà A nghẹn đắng lòng, nỗi đau cồn cào như giằng xé trong ngực. Mới chỉ chưa đầy một năm trước, N còn là một cô gái trẻ trung, xinh xắn, tràn đầy sức sống. Đưa tay quệt vội giọt nước mắt, bà nói mà như đang khẩn cầu: "Mong các bác sĩ cố gắng cứu cháu sống thêm ngày nào tốt ngày ấy. Thôi thì còn nước còn tát vậy". Chỉ nói được đến đấy rồi bà ôm mặt khóc nức nở. Thạc sĩ Vũ Kiên, Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện U bướu Hà Nội đưa cho tôi bộ quần áo vô trùng để vào buồng bệnh. N đã tỉnh sau cuộc mổ dài, gương mặt xanh mét, ánh mắt lờ đờ mệt mỏi. Mấp máy đôi môi nói một cách khó khăn, N cho biết cách đây gần một năm, khi phát hiện thấy mình liên tục đi ngoài ra máu tươi, đau bụng và người mệt mỏi, N đã đến bệnh viện để khám. Sau khi làm một số xét nghiệm và sinh thiết tế bào, bác sĩ xác định cô bị ung thư trực tràng và yêu cầu N nhập viện để mổ. Vốn đã sợ đến bệnh viện, giờ lại nghe bệnh của mình phải mổ, N lắc đầu quầy quậy rồi từ chối điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Suốt thời gian sau đó, cứ hễ ai mách thầy nào hay, thuốc nam, thuốc bắc nào tốt là gia đình N lặn lội tìm kiếm, mua về để điều trị cho con. Ngày ngày, N uống thực phẩm chức năng, ăn gạo lức muối vừng và uống thuốc từ... lá cây. Riêng khối u ở trực tràng ngày càng lớn thì N đắp lá cây thuốc và dán cao khoai sọ. Kết quả của gần một năm điều trị là N từ 45 kg sụt xuống còn 30kg, mấy ngày gần đây cô không thể đi đại tiện được, bụng trướng to, nôn oẹ và suy kiệt cơ thể nặng. Nhập viện, sau khi chẩn đoán, N được đưa ngay lên bàn mổ. Các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật đưa đại tràng xuống làm hậu môn nhân tạo cho N. Riêng với khối u đã quá to ở vùng hậu môn, các bác sĩ đành bó tay bất lực vì khối u đã xâm lấn rộng sang các tổ chức xung quanh, có di căn gan và thể trạng của N đã quá suy kiệt.
Nên điều trị ở bệnh viện chuyên khoa
Thạc sĩ Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện U bướu Hà Nội bức xúc: "không chỉ có trường hợp của N, thời gian gần đây, Bệnh viện U bướu Hà Nội tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh đã rất nặng và ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân chính không phải do phát hiện bệnh muộn mà do bệnh nhân từ chối điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa để về chữa thuốc lá theo phương pháp... truyền miệng. Một điều rất đáng buồn và cần phải cảnh báo là hầu hết những trường hợp bệnh nhân tự điều trị này đều ở Hà Nội, không phải vùng dân cư có trình độ thấp, nhưng lại bất chấp y lệnh để bây giờ dù có vào viện thì cũng không còn nhiều cơ hội để kéo dài cuộc sống".
Theo ước tính của Bộ Y tế, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 150.000 người bị ung thư ở giai đoạn muộn, ung thư sẽ lan rộng, di căn gây tử vong cao. Nếu trong giai đoạn sớm, bệnh nhân được điều trị đúng phương pháp, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt từ 50 đến 100%. |
Giở tập bệnh án của các bệnh nhân, ThS. Khoa đưa cho tôi hai hồ sơ của bệnh nhân Nguyễn Thị M, 71 tuổi, ở Phố Vọng Hà, phường Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm và hồ sơ của bệnh nhân Hoàng Thị T, 50 tuổi, ở Tập thể An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Cả hai bệnh nhân này đều được phát hiện bị K vú giai đoạn 1, nhưng sau đó đều từ chối điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Người thì đi lên Yên Bái, Cao Bằng mua lá thuốc về giã uống rồi lấy bã đắp vào phần vú có khối u; người thì mua cao thuốc dán kết hợp với cúng bái, lễ lạt... Kết quả là cả hai trường hợp này đều đang nhập viện tại BV U bướu HN để chờ phẫu thuật với tiên lượng rất xấu vì bệnh đã ở giai đoạn 4, có nhiều hạch và di căn xa.
Nhiều năm gắn bó với chuyên ngành ung thư, ThS. Khoa đã chứng kiến rất nhiều những cái chết không đáng có do sự thiếu hiểu biết và mù quáng của bệnh nhân. ThS. Khoa cho biết thêm rằng có trường hợp bệnh nhân ung thư vú đã giấu chồng, giấu con đắp lá nóng triền miên khiến da bị hoại tử. Thậm chí nhiều bệnh nhân không hiểu nghe ai mách đã đắp cả thủy ngân lên vùng có u khiến da bị lở loét hở cả động mạch. Thay vì bệnh thuyên giảm, không ít bệnh nhân ung thư tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ đến khi phải nhập viện điều trị ung thư thì lại phải chuyển ngược sang Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị ngộ độc do các bài thuốc... " truyền miệng".
Lê Vũ