Hà Nội

Cai nghiện game phải điều trị tâm thần, vì sao?

26-03-2010 07:01 | Thời sự
google news

Thoạt tiên, người ta có thể nghĩ rằng nghiện game điện tử giống với bệnh đánh bạc bệnh lý (đam mê đánh bạc một cách bệnh hoạn).

Thoạt tiên, người ta có thể nghĩ rằng nghiện game điện tử giống với bệnh đánh bạc bệnh lý (đam mê đánh bạc một cách bệnh hoạn). Nhưng nghiện game điện tử, đặc biệt là ở những người chơi game online có tất cả các triệu chứng, thỏa mãn hoàn toàn cho chẩn đoán trầm cảm mức độ vừa và nặng.

Dấu hiệu nghiện game

Mất hứng thú hoặc sở thích cho hầu hết các hoạt động: Các bệnh nhân nghiện game đều mất gần hết các sở thích vốn có (họ không thích gì bây giờ cả), trừ sở thích đối với game. Do chỉ còn một sở thích duy nhất là game điện tử nên sở thích này trở nên vô cùng mạnh mẽ, khiến bệnh nhân quên ăn, quên ngủ, bỏ hết cả thế giới thực tại mà sống với thế giới ảo của game.

Khí sắc trầm cảm (khí sắc giảm): là một triệu chứng chính của trầm cảm. Khí sắc trầm cảm được hiểu là nét mặt của bệnh nhân rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều, thậm chí mất hết nếp nhăn. Các bệnh nhân trẻ tuổi lại có trạng thái tăng kích thích (bệnh nhân hay cáu gắt, dễ nổi khùng với một lỗi lầm nhỏ). Ở trẻ em và vị thành niên thường xuất hiện khí sắc kích thích hoặc thất thường, hiếm khi biểu hiện là khí sắc buồn. Khi tiếp xúc với các bệnh nhân nghiện game, chúng ta dễ dàng nhận thấy nét mặt thiếu sinh khí, uể oải, chán chường của họ. Các bệnh nhân này rất dễ nổi khùng với những lý do không đâu, thậm chí nổi cáu với cả bố mẹ, thầy cô giáo.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng sau:

 Bệnh nhân nghiện game nặng phải áp dụng biện pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.

Rối loạn giấc ngủ: Trong nghiện game, bệnh nhân có thể không ngủ cả ngày hoặc ngủ rất ít. Các bệnh nhân này thường có tổng số giờ ngủ trong ngày chỉ khoảng 3-4 giờ gây mệt mỏi, dễ cáu gắt, chán chường, mất hết sức sống.

Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân: Đây là một trong những triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở người nghiện game điện tử. Bệnh nhân ăn uống rất thất thường và ăn rất ít. Có khi bệnh nhân nhịn cả ngày để dành thời gian cho chơi game.

Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Thay đổi tâm thần vận động bao gồm kích động (nghĩa là bệnh nhân luôn đi đi lại lại, không thể ngồi yên), vận động chậm chạp (ví dụ nói chậm, vận động cơ thể chậm), tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói.

 Các game thủ dễ dàng nổi cáu, đập phá, đánh bố mẹ và người xung quanh nếu việc chơi game của mình bị cản trở (như bị bố mẹ ngăn cấm, hết tiền).

Giảm sút năng lượng: Năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi rất hay gặp ở các bệnh nhân nghiện game.

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: là rất hay gặp ở người nghiện game. Chính cảm giác vô dụng và tội lỗi của bệnh nhân khiến bệnh nhân muốn nhanh chóng kết thúc cuộc sống bằng cách tự sát và từ chối điều trị.

Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Nhiều bệnh nhân than phiền khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Ở mức độ nhẹ, chúng có thể xuất hiện dưới dạng phân tán chú ý nhẹ hoặc than phiền khó nhớ.

Rối loạn trí nhớ ở bệnh nhân thường là giảm trí nhớ gần. Bệnh nhân có thể quên mình vừa làm gì (không nhớ mình đã ăn sáng cái gì, không thể nhớ mình đã bỏ chùm chìa khoá ở đâu...). Trong khi đó, trí nhớ xa (ngày sinh, quê quán, các sự việc đã xảy ra lâu trong quá khứ...) thì vẫn còn được duy trì tương đối tốt trong một thời gian dài.

Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Hầu hết bệnh nhân trầm cảm chủ yếu đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Nghiện game cũng không phải là ngoại lệ.

Mật độ và cường độ của ý định tự sát có thể rất khác nhau. Một số bệnh nhân tự sát ít nghiêm trọng khi có thể ý định tự sát mới chỉ ập đến (chỉ 1 - 2 phút trước đó) mà trước đó bệnh nhân chưa hề nghĩ đến cái chết. Trường hợp nặng hơn, ý nghĩ tự sát tái diễn (1 hoặc 2 lần/tuần), họ có thể cân nhắc kỹ càng trước khi hành động.

Tự sát có thể gặp ở trầm cảm nhẹ, vừa và nặng, vì thế không thể chủ quan cho rằng trầm cảm nhẹ thì không cần quan tâm đến ý định tự sát.

 Điều trị nghiện game

Cách ly tuyệt đối bệnh nhân với game. Đây là bước khởi đầu quan trọng. Chúng ta cần biết rằng cũng như cai ma túy, nếu chúng ta không cách ly tuyệt đối bệnh nhân với game thì khả năng điều trị thành công là rất nhỏ. Do game online ngày nay rất phổ biến, bệnh nhân có thể chơi ở nhà, ở quán internet... do vậy để cách ly được tuyệt đối với game, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại khoa tâm thần.

Dùng thuốc chống trầm cảm: thuốc được áp dụng cho nghiện game là setraline và olanzapine, hai thuốc này đều uống vào buổi tối.

Các trường hợp có ý định tự sát, từ chối ăn, kích động mạnh... cần dùng sốc điện để nhanh chóng kiểm soát tình hình bệnh.

Thời gian điều trị nội trú từ 4-8 tuần.

Điều trị củng cố: là việc làm tối quan trọng, quyết định việc thành bại của quá trình nghiện game. Sau khi ra viện, bệnh nhân có thể trở về với đời sống bình thường, nhưng phải được điều trị củng cố tiếp tục bằng thuốc chống trầm cảm theo hướng dẫn của bác sĩ. Như vậy, bệnh nhân sẽ phải tuân thủ 2 điều kiện sau:

Đi khám tại bác sĩ tâm thần hàng tháng để được điều chỉnh liều thuốc thích hợp.

Thời gian điều trị củng cố tối thiểu 5 năm. Các trường hợp bệnh nhân là trẻ vị thành niên thì thời gian điều trị củng cố có thể lên đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Như trên đã nói, do nghiện game là trầm cảm mức độ vừa và nặng, do vậy điều trị bằng các liệu pháp tâm lý là không thể. Chỉ nên áp dụng các liệu pháp nhận thức và hành vi trong giai đoạn điều trị củng cố và phải phối hợp với thuốc chống trầm cảm.

TS. Bùi Quang Huy
(Chủ nhiệm khoa Tâm thần - BV 103)

Ý kiến của bạn