(SKDS) - “Không ốm không đau, làm giàu mấy chốc”... Ðây là câu nói chính xác trong mọi hoàn cảnh. Ðối với bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) thì càng đúng hơn bởi chi phí điều trị cho bệnh và những biến chứng là quá lớn. Ðặc biệt là đối với bệnh nhân (BN) nghèo thì gánh nặng kinh tế khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn: không có tiền ngại đi khám bệnh - dẫn đến bệnh nặng hơn, chi phí điều trị cao hơn…
Nghèo khó làm bệnh thêm trầm trọng
Vẻ ủ rột mệt mỏi, bà Lê Thị Kha – 70 tuổi (Hà Tĩnh) ngồi im lìm nhìn cô con gái thu dọn hành lý để chuẩn bị ra viện. Con gái bà cho biết, cách đây 10 năm bà có hiện tượng ăn nhiều, khát nước, gầy sút cân, mệt mỏi nhưng không biết là mắc phải bệnh gì. Khi thấy đau nhức hai đầu gối, tưởng là bị bệnh khớp, bà khăn gói tới Bệnh việt Việt Đức để khám bệnh. Nhưng bác sĩ (BS) kết luận bà không mắc bệnh về xương khớp mà mắc bệnh ĐTĐ nên chuyển về bệnh viện ở địa phương để điều trị.
Từ ngày phát hiện ra bệnh, bà Kha luôn bị ốm yếu và mất khả năng lao động nên cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm thiếu thốn. Bà và người thân trong gia đình cũng không biết rằng ĐTĐ là một bệnh lý mạn tính và có những biến chứng nguy hiểm, cần phải được điều trị suốt đời nên đã không uống thuốc và đi khám bệnh định kỳ. Chỉ khi nào thấy người mệt mỏi và có tiền, bà mới đi mua thuốc theo đơn cũ để uống. Cho đến khi cả hai chân bị sưng từ đầu gối trở xuống và tím mu bàn chân thì bà mới đến bệnh viện tỉnh, rồi từ đó chuyển đến Bệnh viện Nội tiết trung ương để điều trị. Nhưng, bệnh của bà đã có biến chứng khá nặng và bắt đầu bị hoại tử ở bàn chân phải…
Con gái bà, mắt ngấn lệ nói: “Hoàn cảnh của gia đình quá khó khăn, mẹ em lại không có BHYT, nên không có tiền để mua thuốc uống nói gì đến đi khám bệnh định kỳ”. Với hoàn cảnh gia đình nghèo khó, các con đều đi làm ăn xa nhà nên bà Kha thiếu thốn từ tiền mua thuốc đến cả sự quan tâm chăm sóc của người thân. Bà cho biết, 10 ngày nằm viện, dù bệnh tình chưa có biến chuyển là bao nhưng bà vẫn buộc phải xin ra viện vì không còn tiền để chi trả viện phí.
Bà Kha chỉ là một BN điển hình trong số rất nhiều BN nghèo mắc bệnh ĐTĐ đang nằm điều trị tại Khoa chăm sóc bàn chân - BV Nội tiết Trung ương. ThS.Nguyễn Trần Kiên – Phụ trách khoa Chăm sóc bàn chân – BV Nội tiết Trung ương chia sẻ, rất nhiều BN nghèo buộc phải xin ra viện khi bệnh vẫn chưa ổn định vì họ không còn khả năng chi trả viện phí. Tình trạng điều trị dang dở khiến bệnh nhanh chóng dẫn đến các biến chứng mạn tính nặng, dẫn đến tàn tật. Và do mức đường huyết luôn cao nên những bệnh nhân này còn phải đối mặt với biến chứng cấp tính nguy hiểm như: hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê nhiễm acetone, hôn mê nhiễm toan…
Bệnh nhân Lê Thị Kha với bàn chân bị hoại tử. |
Biến chứng nặng vì thiếu hiểu biết
Sống khỏe khi đạt mục tiêu điều trị
Sống chung với căn bệnh ĐTĐ đã hơn 10 năm, nhưng nhìn sự nhanh nhẹn, hoạt bát của bà N.M.T. (Hà Nội), không ai nghĩ rằng bà đang mắc bệnh. Bà vẫn đi làm, tham gia các hoạt động xã hội, đi nước ngoài v.v… như một người có sức khỏe bình thường. Bà T. cho biết để đạt được điều này, bà cũng đã phải nỗ lực để vượt qua nhiều khó khăn.
Bà N.M.T. là một trong số rất ít BN mắc bệnh ĐTĐ đạt được mục tiêu điều trị nên vẫn giữ được một cuộc sống ổn định. Mặc dù lúc mới phát hiện ra bệnh, bà T. đã xuất hiện biến chứng mắt, nhưng sau hơn 10 năm, hiện mắt bà vẫn chưa có biến chuyển xấu hơn.
Theo ThS. Phạm Thúy Hường – Trưởng khoa Điều trị tự nguyện (ĐTTN) – BVNTTW thì đa số các trường hợp không tuân thủ điều trị, dẫn đến sớm bị biến chứng – biến chứng nặng là bệnh nhân nghèo, không có điều kiện để đi khám bệnh thường xuyên. Tại khoa ĐTTN, các BN là những người có điều kiện về kinh tế và có sự hiểu biết về bệnh tật nên họ được chăm sóc sức khỏe rất tốt. Do đó hầu hết số bệnh nhân tại khoa kể cả điều trị ngoại trú và nội trú đều gặp rất ít biến chứng nặng, tuy không phải ai cũng có được cuộc sống tự tin như bà N.M.T.
Cần làm gì để hạn chế các biến chứng cho bệnh nhân?
Theo ThS.Kiên, BN ĐTĐ càng tuân thủ điều trị bao nhiêu thì mục tiêu điều trị đạt được càng cao và càng hạn chế được các biến chứng xuất hiện. Và khi đạt được mục tiêu điều trị sẽ góp phần làm cho BN có cuộc sống hạnh phúc hơn. Để đạt được mục tiêu điều trị, bệnh nhân cần có các điều kiện sau:
- Người bệnh cần phải nâng cao hiểu biết để tự chăm lo cho sức khỏe của mình. Đi khám bệnh cơ sở y tế đúng chuyên khoa định kỳ để được chăm sóc y tế tốt nhất và can thiệp kịp thời các diễn biến của bệnh. Tuân thủ chế độ điều trị: dùng thuốc đúng, dinh dưỡng hợp lý và tập luyện phù hợp.
- Người thân trong gia đình cần động viên, chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc BN để họ vượt qua được khủng hoảng tinh thần khi mắc bệnh.
- Xã hội cũng cần quan tâm tới BN bằng cách tuyên truyền, nâng cao nhận thức của họ về sức khỏe; thành lập các câu lạc bộ BN để họ có nơi để tập luyện, chia sẻ kinh nghiệm và cùng giúp nhau vượt qua bệnh tật.
Tuy nhiên, đa số BN là người nghèo và BHYT chưa phủ khắp được với các đối tượng BN này nên họ khó có khả năng tự chi trả được các chi phí cho điều trị. Do đó, mong muốn để họ thực hiện được chế độ điều trị là một điều vô cùng khó. ThS.Phạm Thúy Hường cho rằng, để giúp đỡ cho các đối tượng BN này, các nhà hoạch định chính sách xã hội cùng địa phương nên lưu tâm tới các chính sách hỗ trợ cho BN nghèo mắc bệnh mạn tính nói chung và BN ĐTĐ nói riêng.
Minh Châu