Cái lý của người nắm đằng chuôi

13-03-2009 10:08 | Thời sự
google news

Không phải ai cũng sống trong khu chung cư cao cấp The Manor (Từ Liêm, Hà Nội) nhưng câu chuyện tầng hầm chung cư trên là của chủ đầu tư muốn làm gì thì làm hay của cư dân sống ở đây dùng để xe máy,

Không phải ai cũng sống trong khu chung cư cao cấp The Manor (Từ Liêm, Hà Nội) nhưng câu chuyện tầng hầm chung cư trên là của chủ đầu tư muốn làm gì thì làm hay của cư dân sống ở đây dùng để xe máy, ô tô khiến dư luận quan tâm. Đằng sau câu chuyện này phải chăng là một minh chứng điển hình cho nhiều bất hợp lý đang tồn tại ở một số nhà chung cư mới từ những lỗ hổng về mặt pháp lý, với phần thiệt nghiêng hẳn về phía người dân. Xa hơn nữa là câu chuyện về cái lý của người nắm đằng chuôi.

 Khu chung cư cao cấp The Manor.
Nguyên nhân xảy ra tranh chấp là từ đầu năm 2009, Công ty Bitexco (đơn vị chủ quản của khu chung cư The Manor) đã đơn phương yêu cầu các hộ dân đóng tiền gửi xe với giá mới mà theo dân là rất bất hợp lý, không theo giá quy định hiện hành cũng như mặt bằng giá tại các chung cư khác. Thế là bảo vệ của khu chung cư đã nhận lệnh chặn tất cả các xe của các hộ dân sống tại đây chưa đóng tiền bãi đỗ.

Cái lý của chủ đầu tư dựa vào hợp đồng để xác định phần riêng - chung và chắc chắn mọi hợp đồng của mọi gia đình sống tại đây chỉ liên quan tới căn hộ mình đang sống mà không hề có khoản nào nói về tầng hầm cũng như nơi gửi xe. Thế là chủ đầu tư cho rằng mình có quyền đưa ra mức phí phù hợp để bù đắp các chi phí như chiếu sáng, camera hiện đại... Còn với các diện tích trông xe không mái che mặc mưa nắng trong khuôn viên được tính vào diện tích công cộng nên sẽ áp đúng mức phí mà UBND thành phố quy định.

Lý của người dân sống trong chung cư lại cho rằng căn hầm là của cả toà nhà và những ai sống trong chung cư đều được sử dụng căn hầm làm nơi để xe. Tiền giữ xe hằng tháng là tiền công giữ xe chứ không kèm theo tiền thuê diện tích để xe. Cứ theo lý của chủ đầu tư thì thang máy, cầu thang bộ, thậm chí hành lang không có trong hợp đồng không khéo cũng phải trả tiền khi sử dụng nó (ngoài việc trả tiền vệ sinh, điện chiếu sáng, điện vận hành thang máy...). Thậm chí muốn vào siêu thị cũng phải đóng tiền, nếu không thì ra chợ ở khu vực ngoài chung cư!?

Hai cái lý trái ngược gặp nhau lẽ ra cần được thương thảo tìm tiếng nói chung nhưng chủ đầu tư chỉ đơn phương yêu cầu và quyết định, nếu các hộ dân không đóng tiền theo mức giá họ đưa ra, ban quản lý tòa nhà sẽ chặn toàn bộ xe không cho vào khu The Manor. Và việc bảo vệ của khu chung cư đã nhận lệnh chặn tất cả các xe của các hộ dân sống tại đây chưa đóng tiền bãi đỗ đã xảy ra, gây mất ổn định khu vực và làm xôn xao dư luận.

Vấn đề không hẳn chỉ là chuyện giá cả bởi người đã vào sinh sống tại khu The Manor đều là những người trung lưu và khá giả nên việc trả tiền gửi xe với họ không phải là vấn đề lớn. Sâu xa hơn phải chăng là mong muốn tại khu chung cư hiện đại có một cuộc sống văn minh, số tiền mà mình bỏ ra tương xứng với giá trị thật và không bị bắt ép theo kiểu cửa quyền. Cái lẽ tiếp theo tạo được thói cửa quyền là tầng hầm The Manor có tổng diện tích 20.260m2, sức chứa 283 xe ô tô và 560 xe máy là quá nhỏ so với số lượng người dân chuyển đến tòa nhà này sinh sống ngày càng đông. Khi cung thấp hơn cầu ắt có cái lý của người nắm đằng chuôi: quy định thế, chịu được thì chịu, không chịu được thì đem gửi chỗ khác!

Dư luận quan tâm tới vụ việc trên không hẳn là chuyện tò mò xem thắng thua sai đúng trong cuộc chiến giữa hai cái lý của chủ đầu tư và cư dân khu chung cư cao cấp The Manor mà là đạo đức kinh doanh hiện nay. Chủ đầu tư liệu có thể chỉ vì lợi nhuận mà quên mất chất lượng sống của người dân. Khu chung cư cao cấp còn thế, những chung cư thấp cấp sẽ ra sao khi nhà dọn đến chưa ở đã dột, lở, cầu thang thiết kế chật hẹp khiến có gia đình có người chết liệm trong nhà, đến khi khiêng ra phải... đục cửa sổ thả ròng quan tài lơ lửng từ tầng cao xuống đất.

Và ai là người kiểm soát đạo đức kinh doanh?

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn