Cải lương vẫn mơ về một khoảnh đất trống

12-05-2018 08:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu nói lịch sử xã hội là một cuộc đấu tranh để hoàn thiện vươn lên, thì lịch sử nghệ thuật là một quá trình sáng tạo để tìm ra những hình thức mới cho nghệ thuật, đủ sức thể hiện cuộc sống mới muôn màu muôn vẻ.

Sân khấu cải lương, với tư cách là một loại hình nghệ thuật biểu diễn cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Khát vọng chấn hưng nghệ thuật cải lương

Trước thực trạng khó khăn của cải lương, ngày 28/4 vừa qua, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Tại buổi hội thảo, các ý kiến của các nhà lý luận phê bình, chuyên gia, các nghệ sĩ có nhiều năm gắn bó với cải lương đã tập trung bám sát mục tiêu, yêu cầu của hội thảo. Những ý kiến đều hướng đến mục tiêu đánh giá thành tựu; chỉ ra thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân và các yếu tố tác động đến quá trình phát triển; đúc rút các bài học kinh nghiệm lý luận và thực tiễn; đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương trong thời kỳ tiếp theo.

Khác với nghệ thuật dân tộc khác là chèo, tuồng đã định hình, cải lương vẫn chưa định hình và tiếp tục vận động theo thời đại. Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định Cải lương là nghệ thuật tổng hợp, có sự giao lưu giữa văn hóa Đông - Tây, lại có cơ hội tiếp thu các nguồn sản sinh và nuôi dưỡng nghệ thuật khác nhau cho nên quá trình vận động của cải lương là quá trình vừa thanh lọc, vừa dung nạp, tiếp thu để không ngừng hoàn thiện. Tuy nhiên, cải lương hiện nay có phần ảm đạm so với trước đây một phần do chưa có “cuộc cách mạng” sao cho phù hợp với điều kiện mới, công tác đào tạo vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa bài bản… Từ thực tế trên, nhiều tham luận đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp để vực dậy cải lương như: đổi mới về tổ chức, quản lý; đổi mới nội dung, hình thức… Các nhóm giải pháp đều thể hiện khát vọng chấn hưng nghệ thuật cải lương, mang đến cho bộ môn này một vị thế mới trong đời sống xã hội đương đại.

Theo xu hướng hiện đại, sân khấu cải lương cần đổi mới nhiều hơn, nội dung hay hơn, đẹp hơn và bắt mắt hơn, các vở diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng hơn.

Theo xu hướng hiện đại, sân khấu cải lương cần đổi mới nhiều hơn, nội dung hay hơn, đẹp hơn và bắt mắt hơn, các vở diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng hơn.

Nỗi lo đau đáu

Nhắc đến những khó khăn của sân khấu cải lương hiện nay, có lẽ điều đầu tiên trong lòng mỗi người nghệ sĩ chính là hiện trạng của sân khấu. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng mà kiếm cho ra một sân bãi để hát quả là hiếm hoi, mừng hết cỡ. Nhưng bãi hát đó cũng là tầm ngắm của nhiều đoàn ca nhạc lưu diễn, nên cải lương luôn yếu thế. Nên chăng mỗi tỉnh xây một vài rạp trung bình hoặc cải tạo lại các nhà văn hóa cho lịch sự, với hệ thống kỹ thuật tương đối, thì mới hy vọng kéo được khán giả. Không chỉ cải lương mà các loại hình khác như ca nhạc, kịch nói, phim ảnh cũng sẽ có nơi trình diễn tử tế chứ không thể “hát rong” mãi như vậy. Nhưng ước mơ ấy không biết bao giờ mới trở thành hiện thực. Nhiều năm nay, các đoàn cải lương chưa bao giờ thoát cảnh lao đao.

NSƯT Kim Tử Long tâm sự: “Sân khấu cải lương phải có nhà hát mới hoạt động được. Hiện nay không có nhà hát. Mới chỉ có nhà hát trên đường Trần Hưng Đạo mới đi vào hoạt động, nhưng nhìn chung rạp đó không thể đáp ứng nhu cầu sân khấu. Hiện nay, để có những vở hay, dựng hoành tráng hoặc có những vở kết hợp được sân khấu hiện đại và sân khấu dân tộc, mà đang dừng lại ở mức chỉ là một sân khấu tạp kỹ bé. Theo xu hướng hiện đại, sân khấu cần đổi mới nhiều hơn, những cái hay hơn, đẹp hơn và bắt mắt hơn, các vở diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng hơn”.

Sân khấu nhỏ, máy móc kỹ thuật không được nâng cấp, nghệ sĩ cũng không có cơ hội để dàn dựng những vở diễn công phu, họa sĩ thiết kế không có cơ hội được thỏa sức tung hoành… dẫn đến hệ lụy những vở cải lương truyền thống không còn hấp dẫn và vắng bóng khán giả vô cùng. Nhiều nghệ sĩ cải lương vì cuộc mưu sinh mà phải làm nhiều nghề khác, coi như là… lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Thế nhưng trong lòng họ vẫn đau đáu một nỗi niềm lo lắng cho sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ Minh Mẫn, Trưởng đoàn Cải lương Đồng Tháp cho biết: “Cách duy nhất để có nơi biểu diễn là chọn một bãi đất trống, che rạp tạm bợ. Mùa nắng thì đất cát bay tùm lum, khán giả đi coi phải mướn cái ghế nhựa với giá hai ngàn đồng mà ngồi. Nhưng còn đỡ hơn mùa mưa, bãi lầy lội bùn sình, ai nấy xắn quần mà đi. Riết rồi họ bỏ sân khấu, sâu khấu khó khăn là phải. Nguyên nhân lớn nhất là chúng tôi không có rạp để diễn. Thời bây giờ mà vẫn giống thế kỷ trước, phải ăn chợ, ngủ đình, hát bãi. Gần như tỉnh nào cũng vậy, từ thị xã tới huyện không xây rạp hát, còn trung tâm văn hóa thì giống hội trường, vừa nhỏ, vừa không cách âm, nghệ sĩ không biểu diễn được”. Chính vì thế khi mùa mưa đến là đoàn Đồng Tháp phải ra tận miền Trung, nơi còn những bãi cát khô và khán giả nồng nhiệt, hát luôn 3, 4 tháng. Khán giả miền Trung lại rất ái mộ cải lương, coi như niềm an ủi.

Đoàn Cải lương Long An 9 cũng mắc kẹt trong một bãi sình của huyện Thạnh Hóa, xe ra vô không được, anh em tự gọi mình là “bị nhốt”. Mưa năm nay bất thường nên mới khổ vậy. Nghệ sĩ Bảo Thanh, Trưởng đoàn than thở: “Đã gọi là “phục vụ” thì phải đi vùng sâu, mà vùng sâu làm gì có rạp, chỉ hát bãi thôi. Bà con rất yêu cải lương, họ đi xem thấy thương lắm. Nhưng thấy cảnh họ lội bùn, mình thương ngược lại”. Cái ghế ở đây giá mướn chỉ một ngàn đồng thôi, Công đoàn lấy tiền đó chia cho anh em nghệ sĩ gọi là ăn khuya, chứ lương bổng gần như lĩnh theo công chức. 5 triệu đồng mà tỉnh hỗ trợ mỗi suất phục vụ đã chi cho máy phát điện, cho 3 chiếc xe chở nghệ sĩ, chở cảnh trí, đạo cụ… đã gần hết, mỗi người lĩnh được vài chục ngàn “cát-sê”. Vậy mà vẫn không ai bỏ nghề, vẫn lăn lóc cùng nắng bụi mưa bùn để đêm đêm được hóa thân trên sân khấu.

NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, từng báo cáo về tình hình thực tiễn của nhà hát: Tuy có cơ ngơi mới - rạp Hưng Đạo, nhưng cơ sở vật chất này không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong hoạt động tổ chức biểu diễn của nhà hát như sân khấu quá nhỏ, máy móc kỹ thuật chưa sử dụng đã hư hỏng, trong đó có bản điều khiển ánh sáng, loa, thiết bị lưu điện UPS… bị hư đã đem đi sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa sửa xong. Hệ thống báo cháy tự động thường xảy ra báo động giả; hệ thống màn hình quảng cáo thường xuyên gặp sự cố kỹ thuật; bàn nâng sân khấu sai kỹ thuật nên không dùng được, thang cuốn bị rung lắc, bộ điều khiển thang máy thường gặp sự cố…

Nhìn lại một thế kỷ qua, nghệ thuật cải lương luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với công chúng, đặc biệt là người dân Nam Bộ, nhưng khó khăn của loại hình sân khấu này đang khiến áp lực của giới nghệ sĩ càng nặng nề hơn. Trước mắt, để duy trì và phát triển, cải lương cần không ngừng đổi mới.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn