Hà Nội

Cái khó của nghệ thuật đương đại

19-01-2018 15:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lâu nay nghệ thuật đương đại đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa ở Việt Nam.

Nghệ thuật đương đại được khơi nguồn từ nhu cầu thể hiện những quan điểm, tiếng nói trước nhiều vấn đề và thực trạng đời sống. Thông qua nghệ thuật, các nghệ sĩ luôn mạnh mẽ đóng góp và cải tạo xã hội. Nhưng dường như điều kiện cần và đủ cho sự sáng tạo của họ vẫn còn nhiều hạn chế. Có ý kiến hoài nghi “Nghệ thuật đương đại là sự phù phiếm”. Điều đó không sai, nghệ thuật đương đại tiêu tiền mà chẳng đem lại lợi nhuận là tiền trong tay mà chỉ đem lại những mộng tưởng nào đó về sự tự do, sự sáng tạo, cảm xúc... Tuy vậy, những giá trị tinh thần vẫn luôn hiện hữu như giá trị vật chất, bởi thế, nó không hề phù phiếm!

Trong mọi trường hợp, nghệ thuật đương đại được định nghĩa là “Tác phẩm nghệ thuật đã, đang và tiếp tục được tạo nên trong suốt cuộc đời của chúng ta”. Trên thực tế, nghệ thuật đương đại thường dùng để nói đến những tác phẩm thực hiện trong hai giai đoạn 1860 và 1970. Tác phẩm nghệ thuật thực hiện trong những giai đoạn này đều tìm đến cách biểu hiện mới nhằm thoát khỏi truyền thống, thử nghiệm những chất liệu tạo hình và đưa nghệ thuật ra khỏi sự miêu tả thông thường hướng tới tư duy trừu tượng. Biểu đạt tự do, mang tính cách mạng của tư tưởng từ bên trong người nghệ sĩ, cách biểu hiện với tầm nhìn như vậy đã đánh dấu sự ảnh hưởng vĩ đại của nghệ thuật đương đại. Điều này không chỉ đem lại những khái niệm trừu tượng mà còn ảnh hưởng đến sự tiếp cận thế giới, những vấn đề xã hội và mô tả đời sống hiện đại.

Cái khó của nghệ thuật đương đạiNhững giá trị tinh thần vẫn luôn hiện hữu như giá trị vật chất, bởi thế, nghệ thuật đương đại không hề phù phiếm.

Trước đây chúng ta cho rằng nghệ sĩ là người duy nhất tạo nên tác phẩm. Nhưng với sự phát triển của nghệ thuật đương đại, sự cảm thụ của khán giả đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc tạo nên ý nghĩa, sự biểu đạt của tác phẩm. Quá trình này trở nên quan trọng và sự đa dạng của các cách tiếp cận giúp hình thành nên những thể loại khác nhau trong cùng một loại hình nghệ thuật. Điều này thoát khỏi những định nghĩa chi phối và chỉ tăng cường tinh thần hậu hiện đại. Có thể nói, trong số những phong trào chịu chi phối, ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại, trường phái Biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism) dường như khó tiếp cận số đông hơn cả, nó thiếu sự chia sẻ ý tưởng và cách thể hiện.

Qua những cuộc thưởng thức và trao đổi cởi mở, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, báo giới và một bộ phận công chúng nhận ra những phương thức biểu hiện mới, truyền tải nhiều tiếng nói mạnh bạo, bắt nguồn từ thực trạng đa dạng của đời sống xô bồ, hỗn tạp hôm nay từ những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Điều đó càng cho thấy ý thức và nguyện vọng phản ánh, tác động, sự khẳng định vai trò của các nghệ sĩ trước đời sống vô cùng rõ nét. Nói cách khác, nghệ thuật đương đại rất gần gũi với cuộc sống chứ không phù phiếm như người ta từng nghĩ.

Trong nền mỹ thuật Việt hiện nay, nhiều cái tên nghệ sĩ được ghi nhận qua sự cống hiến của họ với nghệ thuật đương đại như: Trương Tân, Lê Quảng Hà, Đào Anh Khánh, Nguyễn Văn Cường, Lý Trần Quỳnh Giang, Phạm Huy Thông, Nguyễn Thế Sơn, Phạm Ngọc Dương, Lê Vũ, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Huy An, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Mạnh Thắng, Bùi Thanh Tâm, Lưu Tuyền, Nguyễn Sơn, Lã Huy, Đinh Ý Nhi, Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Nguyễn Trinh Thi, Hoàng Dương Cầm... Có thể nói, hướng đến nghệ thuật đương đại là hướng đến sự văn minh, sự dũng cảm và tử tế.

Một người trong giới nhận xét, mấy chục năm qua, các nghệ sĩ trẻ đã bằng nghệ thuật đương đại, có những đóng góp lớn cho nghệ thuật nói chung, nhưng môi trường nghệ thuật đương đại về cả chính sách và sự tiếp cận, thưởng thức của khán giả không thuận lợi lắm và sẽ lâu được cải thiện. Vì điều này còn bắt nguồn từ nhiều nguyên do, trong đó có những hạn chế của giáo dục.

Có lẽ ngay lúc này, điều mà nhiều nghệ sĩ kỳ vọng là những mong muốn của họ đến được với các nhà quản lý, cũng như mong có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa nghệ sĩ với các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật, các nhà xây dựng chính sách. Trên thực tế, qua nhiều diễn đàn và dư luận, những kỳ vọng của họ đã được thể hiện tích cực. Vấn đề là phía tiếp nhận có những hưởng ứng nhiệt tình, cởi mở hơn hay không mà thôi.


Nam Phương
Ý kiến của bạn