Cái giá của miền đất hứa

17-07-2013 20:31 | Thời sự
google news

Thời gian gần đây, việc xuất cảnh trái phép của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi hay những khu vực giáp biên không còn là chuyện hiếm. Chỉ tính riêng ở Bắc Kạn, nếu như năm 2010, số người xuất cảnh trái phép chỉ có vài chục trường hợp thì đến giữa năm 2013, tỉnh này đã có hơn 400 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Thời gian gần đây, việc xuất cảnh trái phép của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi hay những khu vực giáp biên không còn là chuyện hiếm. Chỉ tính riêng ở Bắc Kạn, nếu như năm 2010, số người xuất cảnh trái phép chỉ có vài chục trường hợp thì đến giữa năm 2013, tỉnh này đã có hơn 400 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Phần lớn trong số họ bị rủ rê, hứa hẹn với viễn cảnh đó là nơi có thể kiếm được nhiều tiền... nhưng trái lại, cái họ nhận được là những tháng ngày đói khổ, bị tạm giữ và trục xuất về nước. Câu chuyện của những người được trở về với bản làng sau khi xuất cảnh trái phép tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là bài học cảnh tỉnh cho những ai xuất cảnh trái phép.

Bà Triệu Thị Mạo, anh Hà Sỹ Thịnh, thôn Cốc Lùng,  xã Nam Cường , huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn là một trong số những người xuất cảnh trái phép ở thôn Cốc Lùng mới trở về. Đối với những người như bà Mạo, anh Thịnh, có lẽ sẽ rất lâu nữa mới hoàn hồn vì họ mới trải qua những ngày tháng bị giam giữ do vượt biên trái phép. Với suy nghĩ đơn giản là có thể kiếm tiền dễ dàng, kèm theo đó là những lời dụ dỗ về một viễn cảnh tươi sáng, hàng chục người ở các thôn bản nghèo của Bắc Kạn dễ dàng chấp thuận tìm đến miền đất hứa. Lúc họ đi thì chẳng chuẩn bị kịp cái gì, đối tượng môi giới bảo là nếu tiền không có nhiều thì có ít cũng được, đi lên Móng Cái là có người bao sang bên kia. Trước đó có chủ bên Trung Quốc, người ta về đây người ta cho số điện thoại, mình muốn đi sang thì mình chỉ mất tiền xe đi từ đây đến Móng Cái thôi, sau đó là chủ bên ấy người ta khắc có người đưa đón đến chỗ làm. Đây chỉ là một trong số những người được môi giới sang bên kia biên giới làm ăn. Cả thôn Cốc Lủng có trên 300 nhân khẩu thì có tới hơn 30 người xuất cảnh trái phép, đây cũng là thôn có số người xuất cảnh trái phép nhiều nhất ở xã Nam Cường. Bà Mạo và anh Thịnh là 2 trong số ít người may mắn được trở về, nhưng để được trở về, gia đình họ phải mất một khoản tiền lớn để chuộc. Số còn lại vẫn bị cơ quan chức năng nước sở tại tạm giữ hoặc lao động khổ cực, chui lủi ở những cơ sở sản xuất, gia công bên kia biên giới. Đối với họ, ngày trở về dường như rất xa vời. Theo anh Hà Sỹ Thịnh, lúc bị bắt, cò nó cho điện về rồi nó đe dọa rất nhiều thứ nên gia đình đành phải bỏ tiền ra chuộc về, để chuộc một người phải bỏ ra 20 triệu đồng. Chúng nó gọi điện về gia đình dọa dẫm là nếu không chuộc thì sẽ đưa đi lao động hoặc sẽ mổ bán tim cật.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn, người dân bị môi giới đến các công ty, xí nghiệp bên kia để bóc lột sức lao động bằng cách bắt làm việc nhiều giờ, tức là làm 12 - 14 tiếng/ngày, thời gian làm thường là từ 2 - 4 tháng và khi về không được trả lương, một số bị bắt giữ, sau đó điện về cho gia đình yêu cầu mang tiền chuộc thì mới thả người. Mặc dù thế nhưng đến giữa năm 2013, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn có trên 100 người xuất cảnh trái phép, còn toàn tỉnh Bắc Kạn, con số này đã lên đến gần 450 người. Thực tế, vùng đất được cho là sẽ khiến họ đổi đời giờ đây để lại cho họ và gia đình những hệ lụy khôn lường cả về gánh nặng kinh tế lẫn gánh nặng về tinh thần.

Thực tế, thu nhập bình quân đầu người ở các xã miền núi như Nam Cường khoảng 600 nghìn/tháng. Mức thu nhập quá thấp này phần nào lý giải vì sao số người trong xã xuất cảnh trái phép tăng nhanh trong thời gian gần đây. Chính vì thế, việc đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh để ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép đang là những bài toán đặt ra hiện nay với chính quyền các địa phương.

Ngọc Thành


Ý kiến của bạn