“Cái gì lợi cho dân thì làm”

20-08-2013 11:12 | Xã hội
google news

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn ra trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội chiều 13/8 khi xem xét Dự thảo Luật Hộ tịch và từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề ra nguyên tắc “Dân không cần thì đừng có làm” đã được dư luận đồng tình và hoan nghênh.

Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn ra trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội chiều 13/8 khi xem xét Dự thảo Luật Hộ tịch và từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề ra nguyên tắc “Dân không cần thì đừng có làm” đã được dư luận đồng tình và hoan nghênh.

Trong Dự thảo Luật Hộ tịch lần này, sau khi nghe Bộ Tư pháp trình bày “số định danh cá nhân”, được đánh giá có ý nghĩa như một đột phá trong cải cách hành chính về quản lý dân cư và sẽ bỏ được nhiều giấy tờ trùng lặp, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm tới những vấn đề cụ thể là sẽ “bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ trong dân cư hiện nay?”. Nắm bắt chắc thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đưa ra con số “khoảng 20 loại giấy tờ” mà mỗi cư dân đang phải “mang vác suốt đời” hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra, chưa thấy bất cứ điều nào trong dự thảo luật nói số định danh cá nhân sẽ giải quyết được vấn đề gì? Sẽ giảm được bao nhiêu? Sẽ đi đến đâu? Khi đại biểu của dân hiểu thực tế, phản biện lại những vấn đề trong cuộc sống có liên quan đến quản lý xã hội quả là một điều đáng mừng, rất đáng mừng!

“Cái gì lợi cho dân thì làm” 1Làm chứng minh nhân dân.

 Giải trình Dự thảo Luật Hộ tịch với đề án “số định danh cá nhân” trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn giải: Hiện trong số 11.000 xã, có khoảng 5.000 xã đã có cán bộ hộ tịch. Những nơi khác thì hoặc “có chỉ tiêu nhưng chưa bố trí được”, hoặc “theo tổng biên chế thì có 3 - 4 người ăn lương của hộ tịch, tư pháp nhưng lại làm cán bộ quân sự xã”... Ông cam kết: Tổng biên chế sẽ không tăng khi “chỉ xác định rõ lại chức danh”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chất vấn lại Bộ trưởng Bộ Tư pháp: “Ông hộ tịch” mà Bộ trưởng nói hiện đã có 5.000 thì “còn 6.000 ông nữa phải tăng thêm” và thẳng thắn chỉ ra: “Anh nói không ảnh hưởng gì đến ngân sách cả là tôi không tin. Sẽ phải xây dựng hạ tầng thông tin”. Và chốt lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đề án trên: “cụ thể là bao nhiêu tiền?”.

Vấn đề giấy tờ tùy thân của dân cùng những giấy tờ liên quan khác được thường vụ Quốc hội họp lần này rất quan tâm đã tìm đến đúng bức xúc trong dân để giải quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý mong muốn người dân chỉ có duy nhất là thẻ công dân điện tử, sẽ không phải xuất trình giấy tờ gì cả, cũng không phải sao chép tốn kém. Cơ quan hành chính căn cứ vào thẻ đó để xem xét mọi thứ. Tuy nhiên, để có sự tiện lợi này, Thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc những bước tiến hành rất cụ thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi cũng là những suy nghĩ của dân rằng: “Một người dân có bao nhiêu loại giấy và sau khi có Luật Hộ tịch thì còn bao nhiêu giấy? Trước phải chạy mấy cửa, sau khi có luật thì phải chạy mấy cửa?”. Ông rất thẳng thắn như nói hộ dân rằng: “đang có quá nhiều giấy (tờ)” trong khi “lý lịch tư pháp chưa biết thế nào, căn cước chưa rõ ra sao”. “Đã xảy ra câu chuyện cái gì cũng đè vào hộ tịch và CMTND từ làm sổ đỏ, hộ khẩu, cho đến đi học... đủ mọi thứ. Chưa kể các quy định phải bắt người dân phải trình giấy đó ra. Tại sao đi học thì lại phải trình hộ khẩu? Tại sao lại có nhiều loại giấy ăn theo để buộc người dân phải thế này thế khác”.

Sau khi nhắc lại chuyện thất bại trong việc ghi tên bố mẹ vào giấy CMTND, “không biết để làm gì, tốn kém bao nhiêu tiền”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo “cố gắng hình dung người dân cần có gì” và yêu cầu Bộ Tư pháp phải phối hợp với các bộ, ngành “rà lại hiện trạng giấy tờ đối với một người dân”. Ông cảnh báo, nếu Luật Hộ tịch làm không cẩn thận thì sẽ tạo thêm nhiều thứ giấy nữa.

Qua thông tin trên báo chí, người dân theo dõi rất sát sao kỳ họp của Thường vụ Quốc hội với cảm giác phấn khởi, hy vọng khi Quốc hội rà soát dự án luật đã có những phản biện quyết liệt, thẳng thắn để tránh những văn bản luật và dưới luật sinh ra nhưng bất khả thi và có thể gây tốn kém không cần thiết.

Khi Quốc hội bám sát thực tế, nói những điều dân nghĩ, dân băn khoăn để bộ máy hành pháp hoạt động tốt hơn ấy là hồng phúc của đất nước.

Đức Trí



Ý kiến của bạn