Cái đẹp luôn là cái đúng

09-04-2014 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bất kỳ ai khi được ngắm nhìn những bức tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị đều có cảm xúc khó tả, trào dâng những xúc cảm trong sáng...

Bất kỳ ai khi được ngắm nhìn những bức tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị đều có cảm xúc khó tả, trào dâng những xúc cảm trong sáng..., tác động không nhỏ do nghệ thuật thể hiện cái đẹp mang lại. Không chỉ là ngôn ngữ của hội họa thông qua màu sắc và đường nét mà qua đó, ta như cảm nhận thấy một tâm hồn yêu tha thiết cái đẹp, cái thanh lịch và thấm đượm tình nghệ sĩ với con người, với thiên nhiên...

Nghệ sĩ trong đánh giá của đa số đều là những con người nhạy cảm, quá mức nhạy cảm, hơi thái quá trong việc tự thể hiện mình. Đôi khi có những nhầm lẫn giữa lập dị, khác đời với tư chất của người nghệ sĩ. Vì vậy, không ít nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ, mới chập chững vào đời đã cố gắng thể hiện cái “khác đời” của mình bằng nhiều cách. Họ không hiểu được một điều rất giản dị rằng, nghệ sĩ phải khẳng định mình bằng những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, có giá trị đích thực. Những người thực sự là những nghệ sĩ lớn lại luôn giản dị, khiêm nhường và lịch lãm với vốn văn hóa lớn. Họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Lương Xuân Nhị là một nghệ sĩ lớn với đúng nghĩa của từ này.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Bất cứ nơi nào ông đã đi qua, ông đều tìm thấy những nét đẹp mà con mắt bình thường dễ bỏ qua. Lưu lại trong tranh ông, ở mọi chất liệu của hội họa như bột màu, sơn dầu, thuốc nước, lụa... là tác phẩm đã hoàn thiện hay mới chỉ là đôi nét phác họa tài ba, người ta đều thấy được vẻ đẹp tinh khôi và lịch lãm. Sinh thời, ông sáng tác không ngừng nghỉ, số lượng tranh thật khó thống kê cho hết, nhưng khác với các họa sĩ nổi danh đương thời với ông như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân... xuất hiện nhiều tranh “chép”, tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị thuộc hàng “hiếm”. Giải thích điều này, những thành viên trong gia đình thận trọng cho rằng, tranh của ông thường được mua ngay khi vẽ xong, nằm trong các bộ sưu tập của nhiều người và của các bảo tàng mỹ thuật trong nước và ngoài nước nên ít bị “chép” hơn. Rất may, đa số các tác phẩm lớn của ông hiện đã được tập hợp trong cuốn sách Tuyển tập mỹ thuật Lương Xuân Nhị. Và cũng không như nhiều họa sĩ thường có cuộc sống không hạnh phúc, thậm chí thiếu thốn, nghèo túng, ông có một sự nghiệp hanh thông, tài năng được thừa nhận với nhiều giải thưởng lớn. Cuộc đời riêng hạnh phúc bên cạnh người vợ hiền và 8 người con. Ba con trai ông đã nối nghiệp cha khi trở thành họa sĩ hoạt động ở nhiều ngành nghệ thuật khác nhau.

Là nghệ sĩ mà tài năng được thừa nhận ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế Trường Mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm của ông được tuyển chọn giới thiệu ở một số triển lãm mỹ thuật trong nước cũng như ở nước ngoài. Từ năm 1932 - 1937, tác phẩm của ông đã có mặt ở các triển lãm Brusells (Bỉ) năm 1935, triển lãm tại San Francisco (California, Hoa Kỳ) năm 1937 và tới năm 1940, tranh của ông được triển lãm tại Tokyo (Nhật Bản).

Tranh của ông đã được thừa nhận vì ông đã tiếp thu nền học vấn, kiến thức về cách vẽ, cách diễn tả hình khối, ánh sáng, màu sắc đúng với hiện thực của hội họa phương Tây và tinh hoa tả thần, tả “cảm” để bộc bạch chủ quan người vẽ của hội họa phương Đông. Những kiến thức rất giàu có đó đã trở thành nền tảng để ông tạo dựng phong cách riêng, thanh nhã và dịu dàng, tả thực mà không kém vẻ mơ màng, tươi tắn ấn tượng mà không tan nét huyền ảo của cái đẹp thuần Việt. Những bức tranh nổi tiếng của ông được đánh giá cao là các bức: Quán nước bên đường (lụa - sáng tác năm 1937), Gia đình thuyền chài (1938), Thiếu nữ Hà Thành (lụa và sơn dầu 1938 - 1940), Thiếu nữ Nhật Bản, Phong cảnh Nhật Bản (sơn dầu 1940 - 1941), Cầu ngói Thanh Toàn - Huế (lụa, 1940 - 1941), Bên bờ giếng (sơn dầu - 1956), Tĩnh vật hoa hồng bạch (sơn dầu - 1957), Đồi cọ (sơn dầu - 1957), Nhà Bác Hồ (sơn dầu 1970 - 1980)... Gần đây, người yêu tranh Việt Nam còn được biết tranh của ông đã được nhà đấu giá Interencheres (Pháp) rao bán tác phẩm Mùa đông (mực và bột màu trên lụa, khổ tranh 36,5x31cm)...

Tác phẩm Hoa loa kèn đỏ của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Tác phẩm Hoa loa kèn đỏ của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Dù ghi được dấu ấn riêng, phong cách riêng trong đội ngũ các họa sĩ ưu tú nhưng ông không thuộc trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nghệ thuật chỉ phụng sự cho cái đẹp. Khi kháng chiến bùng nổ, ông đã hăng hái tham gia hoạt động kháng chiến, kiến quốc của đất nước. Họa sĩ đã mau chóng tìm được sự hào hứng để tham gia bằng cách riêng của cá nhân với sự nghiệp cách mạng qua những bức tranh địch vận, tranh cổ động trong thời gian dài từ khi tham gia kháng chiến chống Pháp và sau này là chống Mỹ. Với ông, công việc vẽ tranh, tìm mọi cách để có thể in ra được qua những phương pháp rất thủ công là những công việc thật nhiều ý nghĩa. Ông trực tiếp pha màu in, tìm hiểu về tác dụng của tranh đối với lính địch, nghiên cứu khổ tranh vẽ sao cho phù hợp để có thể mau chóng phổ biến ngoài mặt trận. Hạnh phúc là khi ông biết có những người lính trong đội quân Pháp và tay sai đã chuyền tay những bức tranh của mình, rồi ra hàng vì được thức tỉnh về sự phi nghĩa của họ trong cuộc chiến. Cẩn trọng như một người làm công tác nghiên cứu chứ không phải là của nghệ sĩ, ông luôn giữ các tác phẩm của mình theo một trật tự khoa học. Trong gia tài nghệ thuật còn lại đến hôm nay còn có bộ sưu tập phong phú mảng vẽ này với những bức tranh nhỏ in litô hoặc khắc gỗ với những mảng màu cơ bản, tuy khái quát nhưng vẫn trung thành với đường nét, hình khối của phong cách hội họa châu Âu cổ điển. Mảng vẽ mang tính tuyên truyền mà vẫn đậm chất nghệ thuật của họa sĩ Lương Xuân Nhị còn được ông sinh thời rất tự hào và hạnh phúc là chiếc huy hiệu “Búp măng non” lấp lánh trên ngực các em thiếu nhi do ông vẽ.

Là họa sĩ được nhiều người yêu mến, thừa nhận tài năng, nhưng ông sống thanh đạm, bình dị và cương quyết trong việc duy trì phong cách nghệ thuật, lối sống lịch lãm của mình. Phẩm chất nghệ sĩ, tư duy và cảm quan với cái đẹp rất nhạy bén, lại là người hào hoa, nho nhã, yêu mến vẻ đẹp thiếu nữ, đương thời, ông được phụ nữ yêu mến. Nhưng ông lại có cái mô phạm của người thầy đứng trên bục giảng nên luôn thận trọng khi giao tiếp với người khác giới. Với ông, cái đúng chưa chắc đã đẹp nhưng đã là cái đẹp thì phải thuộc phạm trù cái đúng. Sự nghiệp nghệ thuật của ông đã đóng góp một tiếng nói riêng, một giá trị riêng để tôn vinh nền hội họa Việt Nam.

  Ngọc Bảo

 


Ý kiến của bạn