Những quy định trong luật pháp về “cái chết nhân đạo” đã được ghi trong luật của một số quốc gia, nhưng đây là một trong những luật gây tranh cãi nhiều nhất.
Bản chất của luật này, tôi tạm định nghĩa là: “Sự cho phép của pháp luật thúc đẩy nhanh quá trình chết trên một cơ thể sống đã được giám định Y khoa chắc chắn không thể cứu được, đang phải chịu đựng những nỗi đau về thể xác do bệnh tật gây nên và được chính người bệnh quyết định trong lúc còn tỉnh táo”.
Xét về nhiều mặt như đạo đức hay tôn giáo, dường như “cái chết nhân đạo” không phù hợp và bị phản đối. Nó đi ngược lại nhu cầu chung của con người, và mục tiêu của tự nhiên là mong muốn kéo dài sự sống.
Tuy nhiên, đây là một sự đột phá trong nhân quyền, với những lý do sau:
Trước hết, khi chắc chắn không còn cơ hội sống thì người ta có quyền lựa chọn cách ra đi. Đó có thể là một sự ra đi trong tự nhiên, hoặc có chủ đích. Nếu người bệnh đã chắc chắn không thể cứu được, lại đang phải chịu những cơn đau giằng xé, sử dụng thuốc giảm đau đến liều tối đa, thì người đó có quyền quyết định mình sẽ ra đi như thế nào: Hoặc rút các loại máy móc hỗ trợ, ngừng điều trị các loại thuốc giảm đau, giảm nhẹ, ngừng xử lý các biến chứng tự nhiên, được người thân đưa về nhà nằm chờ trong những cơn đau giằng xé trước khi nhắm mắt xuôi tay; Hoặc yêu cầu một sự ra đi nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn, chấm dứt ngay những cơn đau và chìm trong giấc ngủ êm.
Thứ hai, khi một con người trưởng thành, đã trải qua nhiều năm tháng sống, tự bản thân trải nghiệm những nỗi đau thể xác và tinh thần, chính họ mới là người quyết định được họ có tiếp tục hay không. Chúng ta không bao giờ được phép quyết định hộ người khác về vấn đề này, đặc biệt khi họ còn tỉnh táo. Ở tư thế ngoài cuộc, chúng ta có thể gào thét phản đối vì có rất nhiều lý do, nhưng tất cả lại quên mất rằng bản thân chúng ta không hề được trải nghiệm nỗi đau đớn của chính người bệnh.
Thứ ba, ý nghĩa của cuộc sống thực sự không nằm trong thời gian dài hay ngắn, mà được thể hiện ở hai khía cạnh: Về chủ quan, đó là chất lượng cuộc sống; Khách quan, đó là vai trò của người đó trong cuộc sống. Đơn giản hơn, ở khía cạnh chủ quan, chất lượng cuộc sống của tôi phải được cảm nhận bởi chính bản thân tôi. Ở khía cạnh khách quan, tôi được người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và rộng hơn là xã hội ghi nhận như thế nào, họ coi trọng tôi như thế nào, sự ra đi của tôi có ảnh hưởng gì đến họ. Chắc chắn nếu nhìn theo hướng khách quan thì không một ai bình thường trong xã hội lại mong muốn tôi ra đi nhanh hơn, nhưng nếu nhìn theo khía cạnh chủ quan, khi tôi đã cảm nhận hết ý nghĩa của cuộc sống, khi tôi đã sẵn sàng ra đi trong thanh thản, thì không nên ngăn tôi lại. Những nỗi đau giằng xé khi cơ thể đang bất lực mới là sự tra tấn dã man nhất mà không ai đủ dũng cảm đương đầu.
Khi chắc chắn không còn cơ hội sống thì người ta có quyền lựa chọn cách ra đi.
Ở góc độ của một nhân viên Y tế, chắc chắn không ai mong muốn thực hiện “cái chết nhân đạo”. Trong một “cái chết nhân đạo” có vai trò của những thành phần sau:
1. Bác sỹ điều trị cho người bệnh: chắc chắn không ai muốn người bệnh ra đi và luôn ở tư thế còn nước còn tát.
2. Giám định Y khoa: nhân viên Y tế thực hiện công tác giám định độc lập với Bác sỹ điều trị để khẳng định cơ hội sống của người bệnh còn hay hết. Những người này phải là các bác sỹ, giáo sư giỏi, độc lập với các bác sỹ điều trị, và được công nhận bởi pháp luật về vai trò giám định khả năng sống.
3. Những người thực hiện “cái chết nhân đạo”: nhóm này có thể có chuyên môn về Y tế nhưng chắc chắn không nên là các nhân viên Y tế. Câu chuyện “xử tử bằng tiêm thuốc độc” là một ví dụ đi trước, khi không một nhân viên Y tế nào vượt qua được nỗi ám ảnh, dù họ không nhìn thấy mặt tù nhân và được pháp luật cho phép. Những người này càng không thể là những người đã có lời thề cứu sống người khác khi bước chân vào ngành Y. Chính vì vậy, ngay từ đầu phải rạch ròi bộ phận này, phải tách biệt hoàn toàn với ngành Y.
Thực tế khi nhìn vào bức tranh hiện tại, “cái chết nhân đạo” theo kiểu “dừng điều trị” đã được diễn ra hàng ngày rồi. Nếu bác sỹ tiên lượng không còn khả năng cứu sống và giải thích với gia đình, ở thời điểm bệnh nhân hôn mê, chỉ có người thân ruột thịt trực tiếp, có tư cách pháp nhân, mới được quyết định dừng điều trị hay tiếp tục điều trị. Nếu quyết định là dừng, chắc chắn Bác sỹ chỉ dừng lại mà không có thêm bất kỳ hành động nào khác. Thực tế với sự tiến bộ của Y khoa hiện tại, duy trì sự sống cho một cơ thể hôn mê có thể kéo dài được nhiều năm, song rất tốn kém. Tiến thêm một bước nữa, đó là công nhận quyền tự quyết định cách ra đi, thời điểm ra đi của bản thân người bệnh khi họ còn tỉnh táo. Điểm khác biệt quan trọng ở đây là quyết định được đưa ra bởi bản thân người bệnh khi họ hoàn toàn nhận thức rõ quyết định này sẽ đưa đến đâu.
Như vậy, xem lại định nghĩa sơ bộ ban đầu được đưa ra, cái chết nhân đạo là “Sự cho phép của pháp luật thúc đẩy nhanh quá trình chết trên một cơ thể sống đã được giám định Y khoa chắc chắn không thể cứu được, đang phải chịu đựng những nỗi đau về thể xác do bệnh tật gây nên và được chính người bệnh quyết định trong lúc còn tỉnh táo”. Chúng ta cần phải chuẩn bị tốt các định nghĩa cho từng khâu của định nghĩa này như sau:
Sự cho phép của pháp luật: phải được pháp luật công nhận và quy định chính thức. Thúc đẩy nhanh quá trình chết: bao gồm dừng điều trị và/hoặc có tác động từ bên ngoài bởi nhóm hành nghề “cái chết nhân đạo” độc lập với ngành Y. Trên một cơ thể sống: quyết định được đưa ra khi cơ thể ấy phải còn sống. Đã được giám định Y khoa chắc chắn không thể cứu được: cơ thể sống ấy phải được giám định độc lập với các bác sỹ điều trị, bởi một hội đồng giám định Y khoa có trình độ chuyên môn cao, được pháp luật công nhận quyền giám định khả năng sống. Nếu kết luận đưa ra là “chắc chắn không thể cứu được” mà không có bất kỳ ý kiến chuyên môn trái chiều nào khác trong nội bộ nhóm giám định hoặc từ bất kỳ bác sỹ nào được đưa ra trong vòng 24 giờ. Đang phải chịu đựng những nỗi đau về thể xác do bệnh tật gây nên và được chính người bệnh quyết định trong lúc còn tỉnh táo. Sự khác biệt so với tình trạng ra đi trong hôn mê và đau đớn đó là người bệnh còn tỉnh táo và tự quyết định cách ra đi, thời gian ra đi cho bản thân mình. Cách ra đi có thể đơn thuần là dừng điều trị, hoặc dừng điều trị kèm theo một tác động từ bên ngoài để chấm dứt sự sống.
Như vậy một quyết định ra đi theo “cái chết nhân đạo” phải có đầy đủ các thành phần sau: Bác sỹ điều trị xác nhận dừng điều trị, Người bệnh xác nhận quyết định, người làm chứng xác nhận sự việc diễn ra khách quan, Luật sư người bệnh xác nhận tính hợp pháp của quyết định của người bệnh, Cơ quan giám định xác nhận khả năng sống không còn, Bên thực thi xác nhận tiếp nhận và tiến hành theo các thủ tục hướng dẫn của pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải có các điều khoản cấm đi kèm để tránh tình trạng lợi dụng luật không rõ ràng, ví dụ như: thế nào mới được coi là tỉnh táo? Bác sỹ điều trị hay bên Giám định Y khoa sẽ xác nhận tình trạng tỉnh táo của người bệnh ở thời điểm giám định? Sẽ áp dụng cho những trường hợp bệnh nào? Thời gian điều trị chăm sóc giảm đau, giảm nhẹ là bao lâu mới cho phép người bệnh đề xuất? Bác sỹ điều trị và gia đình tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến quyết định của người bệnh.
Chắc chắn một điều luật mới khi ra đời sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều, song khi có một góc nhìn đa chiều, chúng ta sẽ thấy đây là một điều luật khả thi. Một ý nghĩa nhân văn nhất trong điều luật này, có lẽ đó là sự thực hiện ý nguyện cuối cùng của một con người can trường chống lại những nỗi đau, và giờ họ muốn được ra đi trong thanh thản. Phạm vi của điều luật này đến đâu, cần phải có một tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo sự tôn trọng người bệnh, vừa tránh những vướng mắc pháp lý có thể gặp phải. Không phải tự nhiên mà một số nước phát triển đã công nhận quyền được lựa chọn “cái chết nhân đạo” này. Hi vọng rằng chúng ta sẽ có những ý kiến xây dựng để đảm bảo ý nghĩa nhân đạo của điều luật này.
BS. Thanh Huyền
- Vai trò của bác sĩ trong “quyền được chết”
- Quyền được chết, sự giải thoát cho nỗi tuyệt vọng của người bệnh
- Các nước thực hiện “quyền được chết” như thế nào?
- Quyền được chết
- 'Quyền được chết' có thể bị bị lạm dụng đế giết người?
- Quyền được chết, sự giải thoát cho nỗi tuyệt vọng của người bệnh
- Đề xuất đưa quyền được chết vào quy định của Bộ luật Dân sự
- Lời tự sự của một lá phiếu về quyền được chết