Cái chết của con bìm bịp

14-04-2013 08:00 | Thời sự
google news

Trong thế giới loài chim, lũ bìm bịp chẳng có gì quyến rũ, đáng yêu cả. Ấy vậy mà nó đang trở thành đối tượng săn lùng vô tội vạ của con người.

Trong thế giới loài chim, lũ bìm bịp chẳng có gì quyến rũ, đáng yêu cả. Ấy vậy mà nó đang trở thành đối tượng săn lùng vô tội vạ của con người. Chỉ vì loài chim này có một số tác dụng về mặt dược lý như chữa bệnh thần kinh, đau lưng, nhức mỏi, suy nhược cơ thể... Người ta còn truyền tai nhau rằng, nếu đem ngâm rượu cùng với tam, tứ, ngũ lục xà... thì con người lại có sức bổ dưỡng vô song. Vì lẽ đó, đại họa giáng xuống đầu con bìm bịp nhỏ bé, đáng thương, chắc chắn chúng sẽ bị tuyệt diệt nếu như...

Bìm bịp là một loài chim dữ, chúng thường ăn đủ thứ thịt sống, thậm chí cả những súc vật đã chết trương phình lâu ngày. Con trống, con mái thường bay thành từng đôi, luồn lách dọc bờ sông hay bên những đầm lầy có lắm ếch nhái, rắn rết. Các chú không trừ loại động vật nào nếu thấy có đủ khả năng xơi được. Với cặp mỏ khoằm khoằm sắc như dao cứa và đôi chân đầy móng vuốt nhọn hoắt như kim, quặp đâu dính đó, con mồi thật khó lòng tẩu thoát. Bìm bịp có bộ lông xấu xí, hôi hám, toàn thân màu nâu xám, từ ức lên cổ lại xanh đen, đầu thuôn, đuôi dài, sải cánh rộng, giọng hót lại đùng đục, khàn khàn kéo dài như rên nghe rất thảm sầu đơn chiếc.

Chuyện kể về ông “Ba bìm bịp” và đường dây buôn lậu chim

Đến nhà ông Ba, tôi thấy hai nửa bao tải rắn vất lăn lóc ngoài sân, chúng cứ ngọ nguậy, trườn bò lộn đầu lộn đuôi thành một túm chỉ rối trông phát khiếp. Từ đứa bé con đến cô gái lớn trong nhà ông Ba chẳng biết sợ rắn là gì. Đến đây tôi mới biết ông Ba “hành” cùng lúc cả hai nghề: vừa chim vừa rắn. Ông có một biệt danh khác vừa lạ tai lại vừa hóm hỉnh, nghe phải bật miệng cười: ông “Ba bìm bịp”. Mãi sau này tôi mới biết ông là người đầu tiên phát minh ra cái nghề đánh bẫy bìm bịp của làng P.Cường. Từ già trẻ, gái trai, lớn bé đều theo ông học mót kỹ nghệ sập chim theo một phương thức dân gian có cải tiến nên đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Ông sẵn sàng bày vẽ thiệt tình, chỉ cần thực hiện một yêu cầu tối đơn giản - phải bán số chim bẫy được cho ông với giá thỏa thuận. Vậy là cả thầy lẫn trò đều không ai thiệt. Còn đầu ra thì một mình ông biết. Sau nhiều ngày lặn lội vất vả, tôi lần tìm được dấu vết của cái đầu mối tiêu thụ đặc biệt này. Hàng vạn con bìm bịp đã không cánh mà bay sang các nhà hàng đặc sản và vô số tiệm thuốc bắc trên lãnh thổ Trung Quốc. Đường dây thu mua bắt nguồn từ Hà Nội, nhiều tay săn chim đã tràn vào miền Đông đánh quả món hàng đơn giản nhưng vô cùng béo bở. Lũ bìm bịp xấu số được trói mỏ, cùm chân bằng băng keo và họ không quên tra thuốc mê vào họng, chúng cứ thế híp mắt gà gật, mê muội trong các lồng nan trùm vải kín mít rồi bí mật chuyển đi trên các chuyến tàu tốc hành hoặc xe ca ra Bắc. Chỉ cần đến Hà Nội, giá bìm bịp đã tăng gấp đôi, nếu đưa trót lọt lên biên giới Việt - Trung thì tăng gấp 3, vào thời điểm cuối năm, các loại chim rắn còn hút giá cao đến chóng mặt. Đây là món hàng 1 vốn 3-4 lời. Từ tiền Việt biến thành “tệ” Trung Quốc là cả một hành trình gian khổ, mệt nhọc nhưng đầy hiệu quả, những tay buôn bìm bịp sừng sỏ đến người đánh bẫy đều phải nương nhờ vào nhau để làm giàu.

Năm ngoái, nhà ông Ba trúng lớn, mỗi ngày, bình quân ông đánh được 2 - 3 con, sau 1 năm, tính ra ông bẫy tới cả ngàn con bìm bịp. Theo thời giá năm 2012, mỗi con từ 150-200 ngàn đồng, nếu nhẩm tính sơ sơ, ông bỏ túi một món tiền gần 200 triệu đồng. Tôi trố mắt lên vì kinh ngạc, sợ tôi chưa tin, ông chỉ trỏ một lúc rồi giải thích ngay:

- Nhìn cơ ngơi của tui thì chú biết, nào xây nhà, sắm xe máy, mua tivi màu, tậu ruộng rẫy, mua bò... cũng nhờ thu nhập từ con bìm bịp.

Ông còn nói thêm:

- Năm nay giá có hạ đôi chút nhưng chẳng sao, của trời cho mà chú!

Quả thế thật! Tôi thầm nghĩ “của trời” cũng đến lúc cạn kiệt. Tôi có dịp đi lang thang trên những cánh đồng mênh mông lúa trổ, dọc triền sông La Ngà, sông Bé, sông Đồng Nai... để ngóng nghe tiếng chim bìm bịp khắc khoải gọi bạn tình, báo hiệu con nước xuống lên. Nhưng tịnh không, nốt nhạc trầm buồn của thiên nhiên đã lịm tắt từ bao giờ? Thật đáng sợ khi đứng trước một ban mai yên bình đến chết lặng. Khúc hòa âm muôn điệu của loài chim im vắng, xa vời, chúng không còn nữa hay đã trốn biệt tăm đi xứ khác? Biết bay về phương nào hỡi những chú chim vô tội! Bây giờ, mùa thu hay mùa gì, ban mai hay hoàng hôn, chỉ có lũ chim nhạy cảm cất cao giọng hót là ta có thể phân biệt ra ngay. Bầu trời và những vòm cây đang thiếu vắng dần bóng chim, thiếu những âm thanh trong trẻo, hồn nhiên, vô tư của chúng, khi đó, con người mới bừng tỉnh chăng? Có những loài chim quý như công, trĩ, khướu, họa mi, nhông, cưởng, chích chòe... đang vĩnh biệt thế giới cỏ cây, hoa trái ngọt ngào để chui vào sống trong một cái lồng nan chật chội, tù túng. Hằng ngày, chúng phải gãi mỏ xoành xoạch, tức tưởi đập cánh, mắt khao khát nhìn qua khe cửa để tưởng nhớ về khoảng trời tự do, ở đó, chúng tha hồ bay nhảy rồi khoe giọng hót với nhiều cung bậc khác nhau tạo thành bản hòa âm tuyệt vời mà bất kỳ nhạc sĩ thiên tài nào cũng không bắt chước nổi.

Cái chết của con bìm bịp 1
 Chim bìm bịp mồi có giá khá cao.

Những con chim mồi và kỹ nghệ đánh bẫy

Tôi đi theo ông gần trọn 1 tuần khắp mọi xó rừng miền Đông mới thấy hết kỹ nghệ bẫy chim quả là kỳ công và rất chi hồi hộp. 10 con chim nhảy nhót điên loạn trong lồng sập. Chúng được huấn luyện kỹ càng, ngoài giọng hót điệu nghệ đầy khiêu khích, lũ bìm bịp còn nhận biết tín hiệu của con người. Mỗi khi ông quảy lồng ra đi là chúng hiểu ngay công việc của mình là phải đánh lừa được lũ chim đồng loại hoang dã kia vào tròng. Chúng phải gù thật ngạo mạn để chọc tức con chim đực phía bên ngoài, lại tí tởn làm duyên để ghẹo con mái thích thú tìm tới cạnh chiếc lồng là dính chấu. Tấm lưới bằng sợi nilon chắc bền úp chụp lên đầu lúc nào không hay.

Một con chim mồi thượng thặng phải có màu lông mỹ miều, có giọng hót hay và hay hót, biết mến người có giá trên dưới 2 chỉ vàng. Chúng có chế độ ăn uống theo thực đơn như thịt sống, thạch sùng hoặc rắn con. Trước khi đi đánh bẫy, chú bìm bịp mồi được bồi dưỡng một lòng đỏ trứng gà để có sức mà hót nhằm phục vụ theo đúng ý đồ đen tối của chủ.

Ngoài công việc rẫy nương đồng áng ra, cả làng P.Cường thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đều chuyên chú vào nghề bẫy chim và bắt rắn. Họ chia nhau tỏa đi Trị An, Sông Bé, Đồng Phú, Đồng Xoài, Châu Thành, Xuyên Mộc, Bảo Lộc, Di Linh... Ở đâu có bìm bịp, ở đó họ rình sẵn với những con chim mồi chua ngoa, hiếu chiến treo lơ lửng trên cành cây. Lũ chim hoang dã cứ lao vào cuộc quyết đấu mù quáng, dại dột, chúng thà chết chứ không chịu ẩn mình nhục nhã, nhưng rồi tất cả đều bị bắt sống, sau đó mới được tận mắt chứng kiến một cái chết khác đau đớn, bi thảm hơn. Trước khi tiễn tôi ra về, ông Ba căn dặn thầm một câu vào tai tôi: “Chú là người Sài Gòn, chưa biết đến chim đến rắn tui mới kể cho nghe để mà sướng, chứ nhà báo, công an biết, họ rớ vô coi như lụt nghề cả làng!”.

Tôi bấm bụng nén cười rồi ngẫm lại mà đau một nỗi khác, sự hồn nhiên kiểu ông “Ba bìm bịp” ở xứ sở này thì nhiều vô kể. Chỉ khốn nạn cho lũ chim tội nghiệp, chúng chẳng biết bay đâu cho thoát dưới gầm trời rộng rinh nhưng quá nhiều cạm bẫy của con người.   

Nguyễn Hoài Nhơn


Ý kiến của bạn