Dị dạng mạch máu tủy là loại bệnh bẩm sinh, do sự rối loạn trong quá trình phát triển mạch máu thời kỳ bào thai. Bệnh có thể tiến triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng, nhưng có thể dẫn đến liệt đột ngột, hoặc “cái chết bất ngờ”.
Lứa tuổi nào hay phát bệnh?
Nhóm tuổi có biểu hiện dị dạng mạch máu tủy sống thường ở khoảng 30-60 tuổi, rất hiếm thấy ở lứa tuổi lên 10. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Dị dạng mạch máu có thể gặp ở bất cứ đoạn tuỷ sống nào, nhưng thường xảy ra ở vùng tủy ngực, đoạn cột sống ngực thứ 7-8. Trên thực tế có thể gặp nhiều dị dạng mạch máu được hình thành ở nhiều đoạn tủy ở một bệnh nhân.
Nhận biết bệnh thế nào?
Bệnh dị dạng mạch máu tủy có thể âm thầm tiến triển, không biểu hiện triệu chứng trong một thời gian dài, cho đến khi các mạch máu căng giãn quá mức chèn ép vào tủy và các dây thần kinh hoặc có thể vỡ ra gây xuất huyết tủy sống.
Nếu khối dị dạng nằm ở tủy cổ, bệnh nhân có thể bị tê yếu tay, chân, sau đó có thể dẫn đến liệt tay chân, ngưng thở và dẫn tới tử vong, nếu không được điều trị kịp thời.
Khối dị dạng nằm ở vùng tủy sống ngực hay thắt lưng, gây ra triệu chứng là tê yếu hai chân từ từ sau đó teo cơ hai chân, người bệnh không đi lại được, rồi liệt cả hai chân, tiêu tiểu không tự chủ. Bệnh nhân thường không đau hoặc đau rất ít. Tuy nhiên, trong trường hợp khối dị dạng vỡ, bệnh nhân có thể đau và triệu chứng liệt thường xảy ra đột ngột nhanh chóng.
Biểu hiện của dị dạng mạch máu tủy có thể gây nên bởi 3 nhóm triệu chứng: thiếu máu cục bộ tủy sống; tủy sống bị chèn ép; chảy máu ở trong tủy hoặc chảy máu khoang dưới nhện.
Các triệu chứng do thiếu máu tủy ở giai đoạn đầu thường là thoáng qua. Lúc đầu thường xuất hiện dị cảm ở hai chi dưới. Có thể có những rối loạn về hoạt động của bàng quang và ruột. Đến giai đoạn muộn sẽ hình thành hội chứng tủy ngang một phần hay toàn bộ. Những dị dạng mạch máu có thể gây ra chảy máu tủy sống hoặc chảy máu dưới màng nhện tủy sống. Biểu hiện bệnh bằng triệu chứng: đau lưng cục bộ ghê gớm mà phần lớn đau lan xuyên ra ngang thắt lưng và xuống hai chân. Phản ứng màng não (mengismus) và dấu hiệu Lasègue dương tính, điển hình và rõ nét hơn là triệu chứng cứng gáy, có thể không có nhức đầu. Nếu khám thần kinh thường phát hiện được những biểu hiện tổn thương theo đoạn và ít nhiều tồn tại hội chứng tủy ngang. Có khả năng chảy máu tủy sống tái phát.
Triệu chứng xét nghiệm: chọc dịch não tủy có lẫn máu trong trường hợp chảy máu do dị dạng mạch máu; hội chứng phân ly albumin - tế bào (albumin tăng nhưng tế bào không tăng) trong dịch não tủy ở trường hợp tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy do những u mạch. Chụp phim x-quang thấy hình ảnh điển hình là giãn rộng tĩnh mạch tủy sống ở bề mặt sau, và hình ảnh nghẽn tắc cột cản quang trong trường hợp dị dạng mạch máu tủy gây chèn ép.
Dị dạng mạch máu tủy sống cần phải phân biệt với những bệnh u nội tuỷ, bọc máu ngoài màng cứng, nhuyễn tủy sống, viêm tủy ngang, bệnh của các cột, bó trong tuỷ và viêm não tủy rải rác, hoặc bệnh giang mai não tủy.
Điều trị bệnh ra sao?
Điều trị dị dạng mạch máu tủy là rất cần thiết, vì nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tàn phế hay tử vong do vỡ dị dạng gây thương tổn tủy, hoặc bị các biến chứng như: nhiễm khuẩn lở loét do nằm bất động, liệt hai chân, tiêu tiểu không tự chủ... Người bệnh còn trở thành gánh nặng cho gia đình, vì phải chăm sóc nuôi dưỡng rất tốn thời gian, kinh phí.
Điều trị bệnh dị dạng mạch máu tủy là rất khó, tùy vào mức độ của bệnh mà có thể bệnh được chữa khỏi, hay chỉ điều trị được một phần, có trường hợp không điều trị được. Phẫu thuật loại bỏ dị dạng là phương pháp được thực hiện từ lâu, hiện nay can thiệp nội mạch điều trị dị dạng mạch máu tủy là phương pháp được chọn lựa, vì phương pháp này đem lại hiệu quả cao, an toàn, ít xâm lấn.
Hiện nay đã có nhiều phương tiện can thiệp phẫu thuật hiện đại, với kỹ thuật này, người ta luồn các ống nhỏ từ động mạch đùi đi đến khối dị dạng mạch máu tủy, rồi làm bít tắc khối dị dạng, làm xẹp khối dị dạng, ngăn chặn khối dị dạng vỡ. Kỹ thuật này không để lại sẹo, bệnh nhân xuất viện sau 48 giờ.
Phòng bệnh được không?
Dị dạng mạch máu tủy sống là bệnh có tính chất bẩm sinh nên không thể đề ra biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên chúng ta có thể ngăn ngừa tiến triển nặng của bệnh dẫn đến liệt hay tử vong. Muốn thế mọi người cần nắm vững các triệu chứng của bệnh để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Nếu bạn thấy một hay nhiều các triệu chứng như: bị tê yếu tay, chân; dị cảm ở hai chi dưới, rối loạn về hoạt động của bàng quang và ruột; đau lưng cục bộ ghê gớm mà phần lớn đau lan xuyên ra ngang thắt lưng và xuống hai chân…cần đến khám ngay ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.
ThS. Nguyễn Mạnh Hà