Bác sĩ vui mừng khi được tăng lương
Luôn tâm niệm mức lương của đội ngũ y bác sĩ cần phải cao hơn mặt bằng chung, anh V.V.T - bác sĩ một bệnh viện đa khoa ở ở Hải Phòng cho rằng, việc tăng lương từ ngày 017/2024 là chủ trương đúng đắn. Đặc biệt là tăng lương với viên chức, người lao động ngành Y tế.
Anh T cho biết, từ khi nhận mức lương mới, nhiều y, bác sĩ tại bệnh viện vui mừng và an tâm cống hiến hơn.
Theo anh T: "Thời điểm mới vào nghề, mức lương của bác sĩ không cao, chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngay cả các bác sĩ có nhiều năm công tác trong nghề, mức lương cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sau tăng lương, mức tăng của tôi là khoảng 2 triệu đồng đã đóng bảo hiểm".
Vì là chủ trương đúng đắn, nên anh T mong mỏi, bác sĩ ở những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên hơn.
Bởi theo anh T: "Từ những buổi đi khám chữa bệnh miễn phí ở nơi xa xôi, tôi quan sát thấy rằng, nhóm bác sĩ thu nhập thấp chủ yếu là làm ở y tế cơ sở (trạm y tế phường, xã) hay ở các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Do đó, tôi cho rằng, nếu được tăng thêm thu nhập, chắc chắn, đây là một phần đãi ngộ để thu hút và giữ chân bác sĩ có nghề, công tác chăm sóc sức khỏe đối với người dân ở vùng núi sẽ được nâng cao hơn".
Tương tự anh T, chị Nguyễn Thị V.A – bác sĩ tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho rằng, được tăng lương, tăng thu nhập, y bác sĩ và nhân viên y tế được cải thiện đời sống, từ đó, yên tâm cống hiến tâm sức cho bệnh nhân.
Theo chị V.A: "Thông thường, mức lương khởi điểm của các bác sĩ trẻ khá thấp, phụ cấp cũng không cao. Do đó, để cải thiện đời sống của nhân viên y tế cũng như tạo thêm nhiều động lực, tôi cho rằng nên có bảng lương riêng dành cho ngành Y tế, đồng thời xem xét mức lương, điều chỉnh tăng thêm để phù hợp".
Bởi theo chị V.A, quá trình theo đuổi và để trở thành một bác sĩ có chuyên môn sẽ mất nhiều thời gian và công sức.
"Tăng lương là xứng đáng vì học nhiều năm, học phí tăng cao, thêm nữa là tổng thời gian học của một bác sĩ sẽ từ 6 đến 12 năm mới có thể hành nghề. Do đó, nếu mức lương không tương xứng, các y bác sĩ sẽ thiếu động lực làm nghề", chị V.A cho hay.
Cải cách tiền lương chính là động lực tăng trưởng kinh tế
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá rằng, cải cách tiền lương chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi khi lương được nâng lên sẽ tác động đến cung - cầu.
Bên cạnh việc cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh cần thực hiện mục tiêu cơ cấu, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thông tin thêm về chủ trương cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý thay cho bảng lương theo hệ số hiện nay - đã tồn tại từ năm 2004.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này.
Chính sách tiền lương mới sẽ được cơ cấu lại để tính tỉ lệ lương cơ bản (70%), tỉ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản, để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bà Trà cho rằng những vấn đề mới này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ.
"Cải cách tiền lương, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương. Viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi", bà Trà cho hay.