Nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, các tổ chức, đơn vị, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH, BHYT…
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phục vụ 72,81 triệu người tham gia BHYT, 12,2 triệu người tham gia BHXH, 10 triệu người tham gia BH thất nghiệp, hơn 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Những con số này cho thấy khối lượng công việc của ngành BHXH rất lớn, đòi hỏi toàn ngành phải có sự chủ động, quyết liệt trong cải cách TTHC. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NĐ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, BHXH Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác này với tinh thần phục vụ người dân tốt nhất.
Với tư duy nhận thức, cách làm mới trên tinh thần đặt mình vào vị trí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC để rà soát từng thủ tục, chi tiết đến từng thành phần hồ sơ và tiêu chí trên các mẫu biểu, tờ khai để cắt giảm tối đa thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân, BHXH Việt Nam đã tái thiết kế quy trình nghiệp vụ của ngành trên 5 lĩnh vực (thu, sổ thẻ, chính sách BHXH, chính sách BHYT, tài chính kế toán); rà soát lại các TTHC và đã giảm được từ 263 TTHC xuống còn 33 TTHC. Trong đó, đã giảm được 76% thành phần hồ sơ so với trước lúc cải cách TTHC; giảm 89% chỉ tiêu kê khai và 89% trình tự thao tác các thủ tục… Kết quả này mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ, do đó cắt giảm được thời gian, chi phí của cá nhân khi thực hiện TTHC về BHXH, BHYT. Theo đó, việc bãi bỏ thủ tục xác nhận chữ ký 6 tháng/lần của người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM đã giúp khoảng 200 nghìn người hưởng chế độ không phải đi xác nhận chữ ký; việc bỏ mẫu đơn đề nghị, thanh toán chi phí KCB trực tiếp cũng giúp khoảng 500 nghìn người hưởng BHYT không phải khai đơn... qua đó tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho cá nhân và xã hội.
BHXH Việt Nam cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, thời gian thực hiện TTHC của ngành BHXH đã giảm xuống còn 48,5 giờ. BHXH Việt Nam đang phấn đấu từ nay đến cuối năm, sau khi quyết liệt thực hiện cải cách TTHC và giao dịch điện tử sẽ giúp giảm xuống còn 45 giờ. Tuy nhiên, muốn giao dịch điện tử thành công, rất cần phải có sự phối hợp của các đối tác giao dịch. Đơn cử, đến nay, giao dịch điện tử với các đơn vị sử dụng lao động mới chỉ đạt 75%; còn 25% nữa rơi vào những doanh nghiệp nhỏ, ít có giao dịch. Vì vậy, đòi hỏi Nhà nước phải có giải pháp hỗ trợ để làm sao toàn bộ 100% doanh nghiệp thực hiện giao dịch...
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giao dịch điện tử giữa hệ thống BHXH với các cơ sở KCB BHYT. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp ngành BHXH kiểm soát được từ khâu đầu vào, hồ sơ bệnh án cho tới quá trình thanh quyết toán được chính xác, tiện ích cho người dân.
Để thực hiện việc này hiệu quả, theo đúng tiến độ đề ra thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế ban hành một số quy định về danh mục thuốc, vật tư y tế, loại bệnh và thống nhất danh mục dùng chung để đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các bệnh viện với BHXH Việt Nam. “Việc triển khai tốt hệ thống này sẽ giúp đạt các mục tiêu là phục vụ người dân tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, người dân không tốn thời gian chờ đợi, đồng thời giám sát được chi phí khám chữa bệnh BHYT của cả cơ sở y tế và người tham gia BHYT” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.