Hai Phiếm bảo:
- Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thì trong chục năm qua, xã hội đã cắt giảm khoảng 3.000 thủ tục hành chính rườm rà. Nếu tiếp tục đơn giản khoảng 5.000 thủ tục nữa theo lộ trình thì có thể sẽ giúp tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp khoảng 30.000 tỉ đồng mỗi năm...
- 30.000 tỉ là con số rất không nhỏ đâu nhé!
- Quan trọng hơn, chuyện đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đóng góp không nhỏ vào việc cải thiện hình ảnh của cơ quan công quyền, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh... Ơ kìa, sao bác lại mủm mỉm thế? - Hai Phiếm trễ kính nhìn Nghĩ tôi.
- Việc cắt giảm, sửa đổi được bao nhiêu quy định, tiết kiệm bao nhiêu tiền đúng là quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là mức độ hài lòng của người dân khi tiếp xúc với những thủ tục hành chính công.
- Thế “cắt giảm”, “làm lợi” như trên chả nhẽ dân vẫn chưa hài lòng sao?
- Sẽ không thể hài lòng nếu trách nhiệm các công chức hành chính không tốt hơn đối với dân vì có “cải” thế nào cũng khó “tiến” được nếu phẩm chất công chức bị suy thoái, dân vẫn phải mong “thông cảm” trước những rắc rối do người tạo ra chứ không phải do cơ chế tạo ra.
- À... thế thì là chuyện cải cách con người rồi!
- Thì hành chính muốn cải cách thì trước hết con người làm hành chính phải được cải cách trước tiên chứ!
- Bằng cách gì khi năm nào cũng họp hành, nhận xét, bình bầu?
- Hành chính phục vụ dân phải để dân đánh giá rồi từ đó căn cứ vào đấy mới đánh giá công chức và đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương. Làm được thế đố ai dám hống hách, sách nhiễu dân!
- Thế thì cải cách hành chính trước hết phải có cái thùng bỏ phiếu thăm dò mức độ hài lòng của dân đặt ở nơi phục vụ dân thật. Khi dân cho điểm công chức gắn với quyền lợi công chức thì hẳn tình hình khác ngay!
Cả Nghĩ