Cái bắt tay ở Libya làm gia tăng nguy cơ xung đột?

09-01-2020 11:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay từ đầu năm, Thổ Nhĩ Kỳ điều lực lượng tới hỗ trợ Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA), thực chất là bắt đầu “bước chân” vào cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này, đẩy tình hình Libya lên nấc thang căng thẳng mới.

Libya đang tăng nhiệt

Libya đang nóng lên từng ngày bởi cuộc giao tranh giữa  lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA)  với  lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng K.Haftar đứng đầu ở miền Đông nhằm giành thêm  quyền kiểm soát  lãnh thổ. Lực lượng GNA cho biết, họ không chỉ  đối đầu với LNA mà còn với  nhiều lực lượng đánh thuê  nước ngoài khác, GNA đã cầu viện sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay lập tức, Quốc hội  Thổ Nhĩ Kỳ  đã  bắt tay với  lực lượng được công nhận bởi Liên hợp quốc (LHQ) là GNA đưa quân tới Libya,  khiến lưc lượng này  như “chim mọc  thêm cánh”.  Nhưng  hành động này có giúp cho GNA trên thực địa hay không là một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác,  bởi GNA dù được LHQ công nhận nhưng lại không chiếm  lợi thế  trong cuộc xung đột ở Libya. Việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya chỉ  khiến cho cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi này  tiến lên một nấc thang căng thẳng mới, bởi không thể tìm kiếm hòa bình bằng vũ trang, xung đột.

Giữa lúc căng thẳng dâng cao ở Libya, Tổng thống Nga 'tức tốc" thăm Thổ Nhĩ Kỳ bản giải pháp.

Xung đột bùng phát từ tháng 4-2019 với danh nghĩa truy quét tàn dư khủng bố , LNA tấn công vào những địa điểm thuộc quyền kiểm soát của GNA. Giao tranh ở  Libya đã khiến 1300  người chết, khoảng 300.000 người  mất nhà cửa, gần 1 triệu người phải sống nhờ viện trợ, đẩy Libya lún sâu vào khủng hoảng và chia rẽ.

Theo dự luật Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông qua, Ankara sẽ triển khai quân tới Libya với nhiệm vụ  kéo dài trong thời hạn 1 năm.  Hiện nay,  trên chiến trường Libya không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ,  mà GNA còn được Qatar ủng hộ, trong khi đó,   lực lượng LNA lại nhận được sự hỗ trợ của Ai Cập, UAE (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất) , Nga, Pháp.

Theo các nhà phân tích chính trị, thực chất động thái đưa quân tới Libya của Thổ Nhĩ Kỳ  là để hỗ trợ GNA? Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ  không phải là “đóng góp cho hòa  bình” mà  thực tế còn gây thêm xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ muốn    mở rộng tầm ảnh hưởng của Ankara tại Libya, hiện thực hóa tham vọng vươn lên trở thành cường quốc  có tầm ảnh hưởng  trên thế giới.

Tuy nhiên, tham vọng là một chuyện, nhưng liệu Ankara có đủ nguồn lực để biến những tham vọng đó thành hiện thực lại là chuyện khác.  Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Ankara không có đủ nguồn lực để theo đuổi  một cuộc chiến phức tạp và tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn như ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ không thể giành chiến thắng ở Libya, thậm chí đây  có thể là “nước đi sai lầm” của Thổ Nhĩ Kỳ khi can dự vào Libya. Hành động này của Ankara  đang nhận nhiều chỉ trích của quốc tế, có khả năng đưa Ankara vào một sự cô lập của cộng đồng quốc tế.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối  hành động can thiệp của Ankara

Trước nguy cơ xung đột gia tăng, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arập (AL) đều bày tỏ lo ngại về sự can thiệp bên ngoài có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột leo thang ở quốc gia Bắc Phi này. Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ  về hậu quả tại Libya. Trong một tuyên bố chính thức, Nhà Trắng cho biết: "Tổng thống Donald Trump nói rằng can thiệp nước ngoài sẽ làm phức tạp tình hình ở Libya".

Trong khi đó, các nước như   Anh, Pháp, Đức và Itallia đã kêu gọi chấm dứt giao tranh và "sự can thiệp từ bên ngoài" vào  Libya.  EU cho rằng,  không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya và rằng một cuộc xung đột mở rộng sẽ gây thêm khổ đau cho dân thường. Mọi quốc gia đều cần tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí của LHQ lên Libya.  Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov  cho rằng:  “Sự liên quan của nước thứ ba tại Libya sẽ không đóng góp giải quyết khủng hoảng”.

Đặc phái viên LHQ về Libya Ghassan Salame tức  giận  trước sự can thiệp của nước ngoài ở Libya - đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, ông  cho biết: “Libya  đang phải chịu đựng quá nhiều sự can thiệp nước ngoài theo những cách khác nhau”, tuy nhiên  ít người  đề cập tới người dân và những gì đang xảy ra với họ. “Đủ rồi, người dân Libya đã chịu đựng đủ rồi”, ông Salame nói.

Việc  Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Libya, các quốc gia ủng hộ LNA có “ngồi yên”?  Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân ở Libya, Tổng thống Nga đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/1, đây là hành động bất ngờ và khẩn cấp của người đứng đầu nước Nga giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” ở Libya. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã  thống nhất  kêu gọi ngừng bắn ở Libya. Chưa biết  kịch bản nào sẽ diễn ra tiếp theo  ở Libya, nhưng   điều chắc chắn là xung đột và bất ổn sẽ tiếp tục bủa vây Libya với sự phức tạp và mâu thuẫn ngày càng dâng cao.


Hải Yến
Ý kiến của bạn