Những tín hiệu vui
Ở Việt Nam, âm nhạc cũng đang có cái “bắt tay” nồng ấm với du lịch. “Thủy tổ” của loại hình văn hóa này có nguồn gốc ở Anh. Cùng với thời gian và sức hút, lễ hội âm nhạc du lịch đã trở thành một hiện tượng được nhân rộng trên toàn cầu.
Trở lại chủ đề “cái bắt tay giữa âm nhạc và du lịch” tại Việt Nam, nhiều năm qua, di sản âm nhạc truyền thống luôn được khai thác để quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống tới du khách quốc tế. Chủ trương đưa di sản âm nhạc truyền thống vào phục vụ hoạt động du lịch ở Việt Nam không chỉ làm phong phú, hấp dẫn hơn các tour du lịch, khắc họa đậm nét, hoàn thiện hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, tăng thu nhập cho ngành du lịch... mà quan trọng hơn, còn giúp Việt Nam quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những nét đẹp còn tiềm ẩn của văn hóa Việt.
Âm nhạc và du lịch - hai phạm trù khác nhau lại có được mối quan hệ khăng khít, cùng nhau vượt khó. Nhưng khách quan mà nói, âm nhạc truyền thống góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả, tất cả mới chỉ dừng ở mức “tạm chấp nhận”. Người trong cuộc vẫn đang mơ về một sự bứt phá ngoạn mục.
Âm nhạc và du lịch - 2 phạm trù khác nhau lại có được mối quan hệ khăng khít, cùng nhau vượt khó.
Đôi bên cùng hưởng lợi
Trong khi di sản âm nhạc truyền thống mới chỉ làm tốt việc thu hút du khách nước ngoài, nhưng lại chưa thể truyền cảm hứng cho chính những người Việt trẻ thì gần đây, một vài ca sĩ đã khai phá con đường âm nhạc mới: đưa các địa điểm du lịch vào trong ca khúc. Nổi bật phải kể đến Nguyễn Duy. Năm 2015, anh từng giới thiệu đến những người yêu nhạc ca khúc Khúc hát Việt Nam trên YouTube. Đây là ca khúc do chính anh sáng tác, thể hiện và kiêm vai trò đạo diễn hình ảnh. Khúc hát Việt Nam với ca từ trong sáng, giai điệu thiết tha, được thực hiện với những góc quay đầy nghệ thuật và công phu, ghi hình ở nhiều tỉnh thành, những địa danh có phong cảnh đẹp, quê hương, đất nước qua thông điệp âm nhạc. Nguyễn Duy chia sẻ, đây là ca khúc mà anh đã đặt tình cảm rất nhiều khi sáng tác. Mỗi ca từ, giai điệu đều được viết bằng chính tình yêu mà Nguyễn Duy dành cho mỗi vùng đất trên dải đất hình chữ S.
Tháng 7 vừa qua, khán giả Việt lại đón nhận thêm một ca khúc mang tên Việt Nam, đi, hôn và yêu của Phạm Hồng Phước. Ca khúc có tiết tấu nhanh, vui tươi, pha trộn giữa Pop, World Music cùng nhạc điệu dân tộc. Việt Nam, đi, hôn và yêu có nội dung về hành trình của những người trẻ đi qua những miền đất tươi đẹp của Tổ quốc. Họ tạm thời rời khỏi cuộc sống ồn ào nơi thành thị để khám phá dải đất hình chữ S. Ca sĩ lồng ghép thông điệp về tình yêu con người, quê hương vào giai điệu, ca từ thông qua những địa danh Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa... Tác giả chia sẻ: “Biểu diễn nhiều nơi nên mỗi vùng đất đi qua mang đến cho tôi nhiều xúc cảm. Tôi cảm thấy tự hào về cảnh đẹp, con người nước Việt. Tôi mong khán giả nghe ca khúc này có động lực xách ba lô lên đường”.
Từ sự lan tỏa nhỏ này, chúng ta bắt đầu nghĩ đến điều to lớn hơn. Lễ hội âm nhạc thúc đẩy tiềm năng du lịch - điều này đang được cả thế giới chứng minh.
Lễ hội Escape Summer: Next Invasion - Việt Nam từng diễn ra năm 2015 cho thấy Việt Nam trong mấy năm gần đây không hề kém cạnh các nước phát triển trên thế giới. Lý giải cho câu hỏi vì sao các lễ hội này có sức hút lớn đến vậy? Bởi người hâm mộ có thể cùng lúc xem một loạt nghệ sĩ âm nhạc tên tuổi nhất biểu diễn trong suốt một ngày dài, chứ không cần phải đi xem hòa nhạc của từng nghệ sĩ. Số tiền bỏ ra “đáng đồng tiền bát gạo”.
Từ góc nhìn trên có thể thấy, sự “ghép đôi” giữa âm nhạc và du lịch không bao giờ lỗi thời. Vấn đề là người trong cuộc sẽ phải khai thác lĩnh vực này như thế nào cho xứng với tiềm năng.