Cái bắt tay lịch sử tại châu Mỹ

12-04-2015 9:18 PM | Quốc tế

SKĐS - Kể từ khi đưa ra thông báo lịch sử về việc xích gần lại Cuba, Mỹ đã bãi bỏ nhiều hạn chế đối với đảo quốc này, thế nhưng hiện vẫn còn rất nhiều bất đồng ngăn cản hai quốc gia đi đến bình thường hóa hoàn toàn bang giao.

Với cuộc gặp mặt và cái bắt tay biểu tượng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 diễn ra tại Panama, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đã xóa tan bức màn ngăn cách sau hơn nửa thế kỷ tồn tại. Châu Mỹ từ nay đã bước sang trang sử mới... Sau hơn 20 năm thành lập (từ năm 1994), đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ quy tụ được toàn bộ 35 quốc gia trong khu vực sau nhiều thập kỷ chia rẽ và chông gai. Không chỉ thế, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 diễn ra ở Panama còn trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử khu vực khi được chứng kiến cái bắt tay và cuộc gặp mặt đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh kể từ những năm 1950.

Cái bắt tay phá vỡ bức tường ngăn cách giữa Mỹ và Cuba.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp được chờ đợi với Chủ tịch Cuba Raul Castro sau khi cả hai ông đều đưa ra những phát biểu mang tính hòa giải trước hơn 30 nhà lãnh đạo khu vực. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba kể từ cuộc gặp tháng 4/1959 giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon với lãnh tụ Fidel Castro. Trong cuộc trao đổi công khai chưa từng có tiền lệ, hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, khẳng định quyết tâm đối thoại để sớm tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở trang sử mới trong quan hệ nhiều chông gai giữa hai nước. Chủ tịch Castro nhấn mạnh: “Cần phải đối thoại về mọi vấn đề liên quan tới quan hệ song phương, kể cả nhân quyền và những vấn đề gây bất đồng khác”. Theo ông, dù giữa hai nước còn nhiều khác biệt nhưng Cuba “sẵn sàng tiến lên” và hai nước “phải hết sức kiên nhẫn” trong tiến trình bình thường hóa quan hệ. Chủ tịch Cuba cũng đánh giá cao thiện chí của Mỹ trong việc xem xét loại Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố.

Về phần mình, Tổng thống Obama khẳng định đã tới lúc Mỹ “phải thay đổi sau 50 năm giữ nguyên một chính sách”. Vị lãnh đạo thứ 44 của Nhà Trắng cho rằng, hai quốc gia cựu thù “đang đi những bước đầu tiên trên chặng đường hướng tới tương lai và gác lại quá khứ”, dù rằng những bất đồng giữa hai nước chưa thể được khép lại ngay trong “một sớm, một chiều”. “Việc Chủ tịch Castro và tôi đều ngồi ở đây ngày hôm nay đã đánh dấu một cơ hội lịch sử” - Tổng thống Obama phát biểu tại hội nghị bàn tròn ở Panama ngày 11/4.

Hiện giờ, quan hệ giữa hai nước đã đạt được một số tiến bộ. Tổng thống Obama đã giảm nhẹ những hạn chế về du lịch đến Cuba, cũng như về việc chuyển tiền của người Cuba lưu vong về nước. Ông Obama cũng đã cho phép công dân Mỹ được sử dụng thẻ tín dụng khi du lịch ở Cuba và được mua về 100 đô-la thuốc lá hay rượu Cuba. Những trao đổi thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như viễn thông cũng đã được Washington mở rộng. Tháng 2/2015, một thỏa thuận đã được ký kết về việc tái lập liên lạc điện thoại trực tiếp giữa hai nước. Đến cuối tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 60 công ty và cá nhân làm ăn buôn bán với Cuba. Các doanh nghiệp Mỹ kể từ nay cũng được phép đầu tư vào khu vực tư nhân ở Cuba.

Về việc tái lập bang giao, phái đoàn hai nước đã có hai cuộc họp vào tháng Giêng ở La Habana và tháng 2 ở Washington. Cuba đã đặt điều kiện tiên quyết là Mỹ phải rút nước này ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành các thủ tục để giải tỏa bế tắc này. Nhưng yêu sách chủ yếu của Cuba vẫn là Washington phải bãi bỏ lệnh cấm vận vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội tiến hành bãi bỏ cấm vận Cuba, nhưng ông đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ. Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, Chủ tịch Raul Castro còn đòi Mỹ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ “chiếm đóng trái phép” để xây căn cứ Guantanamo. Mặc dù dự trù sẽ đóng cửa trại tù Guantanamo, Washington dứt khoát không muốn trả lại La Habana - phần lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng từ năm 1903. Đáp lại các yêu sách về tài chính của phía Cuba, Mỹ đòi chính quyền La Habana trả lại các tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỷ USD, tính luôn cả tiền lãi.

(Theo AFP, CNN)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH