Cách nay chưa lâu, đến thăm người bạn vừa mới được mổ xong. Không thấy trong phòng bệnh, ra ngoài tìm quanh quẩn thấy anh bạn đang ngồi trên cái bệ xi măng trong khuôn viên bệnh viện, tay cầm hộp cơm, tay cầm muỗng xúc ăn. Lại gần thấy, hộp cơm có con cá biển chiên, vài cọng rau xào. Một bịch canh, hình như canh rau cải, đặt dưới chân, trên cái bệ xi măng. Anh này còn mang trên mình bịch chứa nước tiểu với dây nhợ ống thông, vì anh vừa mới mổ sỏi thận xong. Hỏi: “Tại sao không vào căntin bệnh viện để ăn mà ra đây?”. Đáp: “Ra đây cho thoáng mát, trong phòng bức bối quá”.
Người nhà và bệnh nhân ăn cơm bên ngoài cổng bệnh viện
Đó là hình ảnh ăn uống quen thuộc của bệnh nhân và người nhà của họ khi vào bệnh viện. Thông thường, nếu người bệnh còn ăn uống được (không phải ăn qua ống hay truyền dịch) thì người nhà mua cho cái gì, ăn cái đó, tiện đâu ngồi ăn đấy luôn, thường là trên giường bệnh. Đây là điều hầu như ai cũng rõ, vì ai cũng đã từng thăm nuôi người bệnh.
Chuyện ăn uống như vậy có gì phải bàn? Đó là suy nghĩ đơn giản của nhiều người. Còn chuyện điều trị bệnh thì đã có thuốc men, mổ xẻ. Cũng vì vậy, một nhà quản lý y tế phải kêu lên: “Đã mấy năm nay thực hiện thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế về dinh dưỡng trong bệnh viện nhưng vẫn có người chưa hiểu, có người vẫn thờ ơ. Có trưởng khoa dinh dưỡng khi trình bày về vấn đề của khoa mình còn lộn xộn, chưa mạch lạc. Việc khoa/tổ dinh dưỡng có hoạt động tốt hay không hình như đang phụ thuộc nhiều vào vị giám đốc bệnh viện có hưởng ứng tích cực hay không”. Cũng vì tư duy đó, cho nên dù vấn đề dinh dưỡng trong bệnh viện, cái ăn cho bệnh nhân mấy năm trở lại đây đã có bước cải thiện rõ rệt, như: đa số bệnh viện đã thành lập khoa/tổ dinh dưỡng, đã có căntin bệnh viện; nhiều bệnh viện đã khám dinh dưỡng và xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân… nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm cần hoàn thiện. Đó là việc, nhiều bệnh viện vẫn cho rằng khoa/tổ dinh dưỡng là không quan trọng nên hoặc không thành lập đơn vị này, hoặc chỉ lập cho có lệ khi bố trí người vào làm vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn, hoặc không đúng chuyên môn.
Thực ra, không chỉ y học hiện đại chỉ rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Từ xa xưa, y học cổ truyền, Đông y, đã nêu cao việc ăn để trị bệnh tùy theo chứng trạng của mỗi người, nhiều món ăn - bài thuốc có giá trị đã ra đời. Một lương y lão thành cho biết: trong Đông y, dược liệu nào mà ăn được gọi là thượng phẩm, còn lại chỉ là trung phẩm, hạ phẩm. Ăn đúng cách thì có khi chữa được bệnh hoặc chí ít cũng mau lành bệnh; ăn sai, bệnh khó lành mà có khi còn mắc thêm bệnh, “bệnh tòng khẩu nhập” mà.
Nói điều đó để thấy rằng, chuyện cái ăn cho bệnh nhân, nhất là người bệnh bị rối loạn chuyển hóa, bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, là rất quan trọng. Để từ đó, ngoài dùng thuốc men, mổ xẻ điều trị bệnh, chú trọng hơn về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Thế Phong