Là những công dân của xã hội hiện đại chắc chắn nhiều người hiểu về caffein, một loại chất hoá học xuất hiện rất nhiều trong công nghiệp chế biến đồ uống và y học. Chúng ta dùng hằng ngày các thức uống như trà, cà phê, đến nước giải khát trong đó có chứa caffein. Ấy thế nhưng ít ai biết rằng, caffein lại có một gốc gác đầy thần thoại.
Thần thoại đẹp
Người ta chưa rõ ai là người đầu tiên tìm ra caffein. Nhưng có một câu chuyện thần thoại kể rằng sự xuất hiện caffein đầu tiên là do công của ông Thần Nông.
Chuyện kể rằng, Thần Nông là người tìm ra tính năng của cây chè và những tác dụng đầu tiên của caffein trong đó. Vào khoảng năm 2.737 trước Công nguyên, toàn bộ ruộng vườn, đất đai đều chỉ dùng để trồng trọt chứ không phải để xây nhà dựng cửa như bây giờ. Lúc đó, Thần Nông là vị hoàng đế của cây trồng và mùa màng.
Ông là vị thần được giao trọng trách sắp xếp mùa màng cho con người, điều phối nắng mưa để con người làm ra lương thực duy trì cuộc sống. Chính ông là vị thần đã sáng tạo ra cày bừa, dạy cho nông dân trồng lúa và cách khám phá ra những giá trị sống của cây cỏ xung quanh. Đó là ăn thử, nếm thử những cây cối mà con vật ăn được để thấy được công dụng.
Các vị thần cũng phải đi tuần tra và kiểm điểm lại những gì con người đang làm và đã làm để báo cáo lên thiên đình như kiểu Táo quân chầu trời vậy. Trong dịp đi thị sát tới một làng quê, Thần Nông được người dân mời uống một thứ nước cho đỡ khát. Tất nhiên là thứ nước này hoàn toàn xa lạ với vị thần của con người. Những người dân ở đây đã bứt những lá từ cây chè, sau đó rang lên trong chảo cỡ đại.
Các lá chè quăn lại. Sau đó, người ta lấy lá chè tái khô, đun lên với nước nóng, chế ra được thứ nước mà ông đang cầm trên tay. Một bát nước xanh, hơi vàng. Uống ngụm đầu tiên, ông thấy mình khỏe khoắn. Uống ngụm thứ hai, ông thấy mình tỉnh táo hoạt bát hẳn lên. Từ đó, cây chè được sử dụng rộng rãi. Và sau này, người ta biết được là chính caffein trong cây chè có tác dụng làm tỉnh táo và khỏe khoắn con người.
Caffein có nhiều trong cà phê. |
Đến những trải nghiệm
Những gốc gác thú vị từ sự ra đời của cây chè, một loại cây giàu caffein, được vẽ lên thành một huyền thoại. Nhưng những sự thực về caffein lại được hiện thực hoá từ những trải nghiệm của những người chăn dê. Vào những năm 1600 và 1700, những người chăn dê ở vùng Ethiopia đã chú ý rằng, những con dê của họ ăn lá của cây berry đỏ (tên khác của một loại cây cà phê) thì chúng chạy nhanh hơn, hoạt bát hơn. Rất thú vị về những quan sát này, họ cũng nhai thử một vài lá xem sao. Quả thực, họ đã hết buồn ngủ, hoàn toàn tỉnh táo và cảm thấy mọi mỏi mệt tiêu tan. Thay vào đó là trạng thái tinh thần cực kỳ sung mãn.
Sau sự kiện của người chăn dê, các thầy tu cũng thử lấy lá của loại cây này đem về nấu nước uống vào ban đêm. Sau khi dùng nước nấu của lá cây này, họ trở lên tỉnh táo và không còn ngủ gật khi đọc kinh ban đêm.
Quá ngạc nhiên về những tác dụng kỳ lạ của những sản phẩm này, nhà hoá học người Đức (có vẻ như Đức là đất thịnh của những khám phá về y học, hoá học, dược học thời bấy giờ) Friedlieb Ferdinand Runge đã quyết tâm tìm hiểu trong cái thứ cây chè và cây cà phê có chất gì mà lại “hay” đến vậy. Vì nó có thể chống lại quy luật hoạt động của tự nhiên.
Lẽ ra buồn ngủ thì phải ngủ nhưng ở những cây này lại giúp chống buồn ngủ. Ông đã nghiền, chiết, pha, lọc rồi tinh chế. Cuối cùng, vào năm 1820, ông thu được một tinh thể alkaloid từ cây cà phê. Ông chưa biết đặt tên cho nó là gì vì chưa biết hình dạng và cấu tạo của nó. Ông tạm đặt cho nó cái tên caffein, dịch ra nghĩa là “một chất trong cà phê”. Từ đó, caffein chính thức đi vào cuộc sống, chính thức xuất hiện trên thị trường quốc tế và nó còn lưu hành cho đến ngày nay.
Và những tác động sức khỏe
Không còn phải bàn luận thêm những ảnh hưởng của caffein đến sức khỏe. Nhìn chung caffein làm cơ thể tỉnh táo, khỏe khoắn, sảng khoái, loại bỏ được tình trạng ủ rũ, mệt mỏi, buồn rầu, buồn ngủ...
Nó tác động vào cơ thể bởi hai cơ chế. Một là tác động vào hệ thần kinh trung ương gây thức tỉnh thần kinh trung ương. Người ta cho nó là chất có tác dụng ức chế thụ cảm thể của adenosin. Mà adenosin lại là chất làm giảm sự truyền dẫn của các chất trung gian hoá học thần kinh. Nên sự ức chế thụ cảm thể của adenosin chẳng khác nào làm cho chất này bị ức chế. Adenosin bị ức chế thì các trung gian hoá học thần kinh được giải phóng và toàn bộ thần kinh thức tỉnh.
Cơ chế thứ hai lý giải tác động của caffein là do nó có tác dụng hoạt hóa thần kinh giao cảm. Hoạt hoá hệ này làm tim đập nhanh, huyết áp tăng, nước tiểu nhiều, tất nhiên là cơ thể hoạt bát hẳn lên, tốc độ chuyển hoá gia tăng. Vì thế mà nó là thứ “dược phẩm chức năng” siêu chuẩn cho những người cần sự tỉnh táo khi làm việc.
Phúc Lâm