Cách xử trí sốt virus ở trẻ

21-06-2020 11:46 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Sốt virus là bệnh gặp chủ yếu trong mùa hè ở trẻ. Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp với triệu chứng điển hình là trẻ đột ngột sốt cao 39-400C kèm theo các triệu chứng khác như ho, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa, nổi ban...

Vì vậy, nhận biết và chăm sóc trẻ đúng cách là rất quan trọng.

Vì sao trẻ em lại dễ bị sốt virus?

Cơ thể trẻ em do chưa có sức đề kháng cao nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Trong những ngày hè, nhiều trẻ phải nhập viện do sốt virus là hiện tượng rất hay gặp tại khoa nhi các bệnh viện. Trong điều kiện bình thường cũng có những virus ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa... Khi gặp điều kiện thuận lợi,  chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh.

Một số loại virus thường gây sốt như: Myxo virus, Coxackie, Entero virus, sởi... Virus có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm virus qua đường hô hấp, tiêu hóa... có thể gây thành dịch. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virus là sốt cao. Trong thuật ngữ y học thường gọi là sốt virus. Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ, sau 3-5 ngày sẽ giảm dần và khỏi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

Khi trẻ bị sốt, cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên.

Khi trẻ bị sốt, cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên.

Nhận biết trẻ bị sốt virus

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virus, thường từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC. Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc; đau đầu. Một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo...

Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ...

Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện lỏng, không có máu, chất nhầy.

Viêm hạch: Đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm virus, cần đưa trẻ đi khám để có chỉ định điều trị. Với trường hợp nhẹ, trẻ có thể được điều trị tại nhà, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nên cho trẻ ăn cháo, súp, thức ăn lỏng.

Nên cho trẻ ăn cháo, súp, thức ăn lỏng.

Cần xử trí đúng cách

Đối với các bệnh do virus gây ra, hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virus ở trẻ em cũng vậy. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là: Theo dõi thân nhiệt của trẻ bằng cách đo nhiệt độ. Có thể đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3-0,4 độ. Thí dụ nhiệt kế ghi 38 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4 độ C.

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol liều 10mg/kg, 6 giờ/1 lần.

Chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Cởi quần áo, bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao.

Lau bằng khăn ướt nước ấm: Dùng khăn mềm, sạch, nhúng nước ấm (1 cốc nước sôi 3-3,5 cốc nước nguội) lau lên khắp mình trẻ; cho tới khi thân nhiệt xuống 37 độ C. Tuyệt đối không được chườm nước lạnh vì sẽ gây sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú, tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường và cho uống bù nước ORS (oresol) theo chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng bé liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh...

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Chú ý: Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: khi trẻ sốt cao trên 38,5oC, đặc biệt là trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Sốt virus là bệnh dễ lây, nhất là trong gia đình và trường học. Do đó, người bị sốt virus nên hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là trẻ em. Khi trẻ bị sốt virus, cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây cho trẻ khác. Những người xung quanh nên phòng bệnh bằng cách nhỏ nước muối, ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.


BS. Nguyễn Văn Lê
Ý kiến của bạn