Cách xử trí khi trẻ bị viêm mũi

26-08-2020 09:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm mũi là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi. Viêm mũi kèm theo các triệu chứng như trẻ bị sốt nhẹ, bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, có khi còn nôn ói, tiêu chảy. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tái phát nhiều lần, dễ dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp...

Nguyên nhân do đâu?

Thời tiết giao mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm cao là nguyên nhân trẻ nhỏ dễ mắc viêm mũi. Bệnh thường tái phát nhiều lần, trẻ dưới 3 tuổi có thể viêm mũi 4-6 lần trong 1 năm, tần số có thể tăng lên trong thời kỳ bé đi nhà trẻ, mẫu giáo. Đây là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi, vì khả năng miễn dịch ở trẻ còn kém nên rất dễ bị bệnh. Khi trẻ hít thở không khí đi từ ngoài vào đến phổi, cung cấp oxy cho cơ thể, đồng thời những tác nhân gây bệnh cũng vào theo. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp...

Dấu hiệu nhận biết

Sốt là triệu chứng hay gặp, sốt đột ngột, thường bệnh nhân chỉ sốt dao động trên dưới 37,5oC, nếu bội nhiễm sốt cao 39-40oC trong 2-3 ngày. Các triệu chứng khác như trẻ bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, có khi nôn, tiêu chảy... Ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy và ho. Các triệu chứng nếu kéo dài trên 7 ngày phải đề phòng biến chứng viêm mũi.

Bác sĩ BV Nhi TW hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng.

Bác sĩ BV Nhi TW hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng.

Xử trí khi bị viêm mũi

Khi trẻ bị viêm mũi, các mẹ nên nhỏ mũi hàng ngày cho trẻ bằng nước muối 0,9% 3-4 lần/ ngày cho đến khi trẻ hết chảy mũi. Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nên nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm gỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.

Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc, có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.

Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/ virus vẫn bám lại trên khăn). Có thể dùng thuốc co mạch theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Khi trẻ bị viêm mũi, có thể dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Đối với trẻ lớn, mẹ nên dạy bé cách xì mũi đúng bằng cách bịt một bên, xì bên còn lại. Ngoài ra, với trẻ bú mẹ cần tăng cường bữa bú, đối với trẻ lớn hơn cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bao gồm thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín... giúp trẻ nhanh hồi phục. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC, cần hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt và lau mát theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý, lau mát cho trẻ bằng khăn bông nhúng nước ấm, vắt kiệt nước và lau khắp người cho trẻ. Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng, giữ không khí trong phòng thoáng nhưng tránh gió lùa. Cần theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều nước vì sốt rất dễ làm cơ thể trẻ mất nước.

Trường hợp trẻ đang bị viêm mũi bỗng thấy sốt cao phải đề phòng biến chứng, trường hợp này cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nơi gần nhất để trẻ được khám và điều trị.

Phòng bệnh cách gì?

Cần giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh. Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nơi ngủ. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi. Hàng ngày dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh, rửa mũi. Vệ sinh mũi giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa và góp phần tránh các bệnh viêm nhiễm hô hấp như: viêm mũi, nghẹt mũi, hắt xì và viêm xoang. Khi thấy viêm mũi kéo dài trên 7 ngày hoặc có triệu chứng nặng hơn như đau tai, khàn tiếng, khó thở phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.


BS. Nguyễn Thị Anh Đào
Ý kiến của bạn