1. Biểu hiện hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Các dấu hiệu hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có thể nhận biết:
- Da mát, màu sắc nhợt nhạt, có màu xanh ở chân và tay.
- Khóc yếu ớt, bú kém, thở nông, khó thở, thở không đều.
- Trẻ giảm cân.
Khi khám bệnh, sẽ có các triệu chứng:
- Hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết thoáng qua.
- Rối loạn nhịp tim.
- Trường hợp tiến triển nặng, trẻ có suy hô hấp, ngừng thở, thiếu oxy máu, toan chuyển hóa.
Đối tượng trẻ sơ sinh có nguy cơ bị hạ thân nhiệt:
- Trẻ sinh non.
- Trẻ đẻ ngạt dẫn đến thiếu oxy cho chuyển hóa tế bào.
- Trẻ sinh ra hoặc nuôi trong môi trường có nhiệt độ thấp như: Nhiệt độ trong phòng quá lạnh; phòng có cửa sổ gió lùa; trẻ không được ủ ấm; trẻ bị ướt quần áo không được thay ngay; trẻ tắm lâu, tắm bằng nước lạnh...
2. Biện pháp xử trí hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Không khó để người chăm sóc trẻ có thể nhận biết trẻ có bị hạ thân nhiệt hay không. Bằng cách kiểm tra chân và tay nếu thấy lạnh, cần đo nhiệt độ cho trẻ. Trẻ từ 6 tuần tuổi trở xuống, nên đo nhiệt độ ở hậu môn, vì đây là nơi lấy được chỉ số nhiệt chính xác nhất. Trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, có thể đo thân nhiệt ở nách, mức chênh lệch nhiệt độ so với hậu môn là 0,2°C. Nếu thân nhiệt của trẻ dưới 36,5 độ C cần được xử lý thích hợp:
- Hạ thân nhiệt nhẹ (nhiệt độ cơ thể 35-36,3°C) có thể được xử trí:
- Tiếp xúc da kề da với mẹ trong phòng ấm (ít nhất 25°C), bọc mẹ và trẻ sơ sinh bằng chăn ấm.
- Đội mũ trên đầu trẻ sơ sinh.
- Trường hợp hạ thân nhiệt vừa phải (nhiệt độ cơ thể 32-34,9°C), cần xử trí:
- Cho trẻ nằm dưới đèn sưởi.
- Cho trẻ nằm tủ ấm.
- Đặt nệm nước ấm.
- Nếu không có thiết bị có sẵn thì có thể sử dụng biện pháp da kề da với mẹ trong phòng ấm (ít nhất 25°C).
- Nếu hạ thân nhiệt nặng (nhiệt độ cơ thể dưới 32°C) cần sử dụng lồng ấp (nên đặt cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 1 đến 1,5°C). Điều chỉnh nhiệt độ lồng ấp khi nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh tăng.
- Nếu không có thiết bị, có thể sử dụng biện pháp da kề da hoặc phòng ấm hoặc giường sưởi.
Trẻ sơ sinh bị hạ thân nhiệt nếu không được điều trị kịp thời có thể gặp phải các biến chứng:
- Thiếu oxy: Khi trẻ bị hạ thân nhiệt, chuyển hóa tế bào sẽ tăng lên để cơ thể cố gắng giữ ấm. Tình trạng này dẫn đến tăng tiêu thụ oxy, khiến trẻ sơ sinh gặp phải nguy cơ thiếu oxy, biến chứng tim mạch và nhiễm toan.
- Hạ đường huyết: Trẻ sơ sinh bị hạ thân nhiệt cũng cơ nguy cơ hạ đường huyết do tăng tiêu thụ glucose để sản xuất nhiệt.
- Biến chứng thần kinh, tăng bilirubin máu, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong nếu tình trạng hạ thân nhiệt không được điều trị, tiến triển.
Tại bệnh viện, phương pháp điều trị hạ thân nhiệt bằng cách ủ ấm lại trong lồng ấp hoặc dưới máy sưởi có bức xạ. Đối với trường hợp đã gặp phải biến chứng hạ đường huyết, hạ oxy máu, suy hô hấp... cần được theo dõi và điều trị khi cần thiết.
3. Cách phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
- Trẻ sơ sinh được lau khô ngay lập tức sau sinh. Sau đó quấn tã và đội mũ trong một chiếc chăn ấm để tránh bay hơi, dẫn nhiệt và mất nhiệt đối lưu. Trẻ sinh non, cần đặt ngay vào túi polyetylen để giúp duy trì nhiệt độ của trẻ. Nếu sau sinh trẻ bị hạ thân nhiệt cần đơn vị chăm sóc đặc biệt.
- Khi ở nhà, luôn duy trì nhiệt độ môi trường thích hợp, không để nhiệt độ phòng quá lạnh. Nhiệt độ phòng sinh nên để từ 25°C - 28°C. Phòng ngủ của trẻ không để cửa sổ gió lùa.
- Luôn giữ vệ sinh cho trẻ, không để trẻ nhiễm lạnh vì quần áo, tã lót bị ướt.
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm vừa đủ, không cho trẻ tắm quá lâu.
Mời độc giả xem thêm video:
Lưu ý với tình trạng hạ thân nhiệt.