Cách xử trí hạ đường huyết khi dùng insulin trị đái tháo đường

15-04-2023 06:45 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Insulin được sử dụng phổ biến trong điều trị đái tháo đường. Để sử dụng insulin đạt hiệu quả và người bệnh có thể tự tiêm insulin tại nhà an toàn, cần hiểu rõ tác dụng của insulin, khi nào dùng, tác dụng phụ có thể gặp phải… để biết cách ứng phó khi cần thiết.

‏Lưu ý khi tiêm insulin và cách xử trí khi bị hạ đường huyết‏ - Ảnh 1.

TS.BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

1. Tác dụng của insulin

‏Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra, cho phép cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng, cân bằng lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, khi người bệnh mắc bệnh đái tháo đường, tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin (đái tháo đường type 1) hoặc cơ thể sử dụng insulin không đúng cách (đái tháo đường type 2). Điều này có nghĩa là người bệnh cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.‏

‏Theo TS.BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, insulin làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kích thích sự hấp thu glucose bằng cách ức chế sự sản xuất và giải phóng glucose của gan.‏

‏Insulin ức chế quá trình phân hủy chất béo, phân hủy protein và tạo gluconeogenesis (sản xuất glucose). Nó cũng làm tăng tổng hợp protein và chuyển đổi glucose dư thừa thành chất béo.‏

‏Insulin được sử dụng trong điều trị đái tháo đường với nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như insulin tác dụng chậm, tác dụng trung bình, tác dụng nhanh… Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng insulin khi:‏

  • Đái tháo đường type 1 và đái tháo đường thai kỳ: Bắt buộc sử dụng.‏
  • ‏Đái tháo đường type 2: Cần dùng insulin khi có tình trạng mất bù do stress, vết thương cấp, tăng đường huyết và tăng ceton trong máu cấp nặng, nhiễm trùng; sụt cân không kiểm soát; phụ nữ đang mang thai.
photo-1681360151116

‏Insulin được sử dụng trong điều trị đái tháo đường với nhiều loại khác nhau.‏

‏2. Tác dụng phụ cần lưu ý khi tiêm insulin‏

‏Các tác dụng phụ khi dùng insulin có thể gặp phải tùy thuộc vào loại insulin mà người bệnh đang dùng. Một số tác dụng phụ phổ biến của insulin bao gồm gây tăng cân, dị ứng insulin (phát ban, sưng tấy…), hạ đường huyết… ‏

‏Trong đó, hạ đường huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêm insulin trực tiếp vào cơ thể. Nếu lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, người bệnh có thể gặp các triệu chứng:‏

  • Chóng mặt.‏
  • ‏Khó nói.‏
  • Mệt mỏi.‏
  • ‏Da nhợt nhạt.‏
  • ‏Đổ mồ hôi.‏
  • ‏Co giật cơ.‏
  • ‏Co giật.‏
  • ‏Mất ý thức.
photo-1681360156053

‏Hạ đường huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêm insulin trực tiếp vào cơ thể.‏

‏3. Xử trí khi bị hạ đường huyết‏

‏Khi bị hạ đường huyết, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức bằng quy tắc 15-15. Điều này có nghĩa là ăn hoặc uống 15 gam carbohydrate để tăng lượng đường trong máu và kiểm tra sau 15 phút. ‏

‏Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL, tiếp tục dùng một khẩu phần khác. Lặp lại các bước này đến khi lượng đường trong máu ít nhất là 70 mg/dL. ‏

‏Để dễ hình dung 15 gam carbohydrate, bạn có thể sử dụng:‏

  • ‏2 - 3 viên đường.‏
  • ‏1/2 ly nước trái cây bất kỳ.‏
  • ‏1/2 ly nước ngọt.‏
  • ‏1 ly sữa.‏
  • ‏5 - 6 viên kẹo.‏
  • ‏15ml hay 1 muỗng canh đường hay mật ong…

Để hạn chế tình trạng hạ đường huyết sau khi sử dụng insulin, người bệnh cần:

  • ‏Đảm bảo dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ, ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa. Nên ăn nhẹ trước khi tập thể dục nếu cần thiết để tránh hạ đường huyết.‏
  • ‏Chuẩn bị sẵn bánh, kẹo… (thực phẩm có đường) mang theo người để phòng khi xảy ra hạ đường máu mà có dùng ngay.‏
  • ‏Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ. Không nên tự ý điều chỉnh lượng insulin ngay cả khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm.‏
  • ‏Nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết và học cách cấp cứu kịp thời, tránh trường hợp rơi vào tình trạng mất ý thức.‏

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS


Minh Tâm
Ý kiến của bạn