Đa số các triệu chứng của ngộ độc thức ăn thường xảy ra sau khi ăn, uống 5 -10 phút đến vài giờ, có những ngộ độc thức ăn có thời gian ủ bệnh dài hơn, triệu chứng xảy ra sau 12 -24 giờ khi ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn. Khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thức ăn thì cần có các xử trí nhanh chóng và chính xác sẽ giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm.
Nhận biết ngộ độc thức ăn
Hầu hết các triệu chứng ngộ độc thường bắt đầu từ đường tiêu hoá với các triệu chứng, hội chứng có tính chất đặc trưng như: buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy (phân, nước tiểu có thể có máu), có thể sốt hay không sốt (gặp khi nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn). Cũng có khi bắt đầu bằng tê môi lưỡi, rồi liệt, co giật rồi hôn mê (như trong ngộ độc tetratodoxin khi ăn cá nóc, bạch tuộc có vòng xanh, con so có chứa loại độc tố chết người này)... Có khi chỉ là váng vất, mệt mỏi, làm cho khó nhận biết đó là do ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên nếu tìm ra được các yếu tố liên quan đến thức ăn (xảy ra sau khi ăn, uống, nhất là ăn ở quán ăn lạ, ăn những thức ăn có nhiều nguy cơ, cùng ăn cùng bị bệnh) sẽ giúp chúng ta xác định được nguyên nhân.
Xử trí đúng
Trước hết nếu đang ăn thì phải ngừng ăn, nếu bệnh nhân tỉnh táo cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Theo kinh nghiệm thì cách gây nôn đơn giản nhất mà hiệu quả là uống một hơi hết 1 cốc nước pha muối (0,9%) rồi dùng tay móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Nếu không kịp pha nước muối thì có thể uống nước lọc rồi dùng ngón tay trỏ đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt.
Sau khi gây nôn nếu thấy nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ,nhưng phải theo dõi sát và nếu có bất cứ triệu chứng gì khác lạ thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều thì có thể cho uống dung dịch oresol (pha theo hướng dẫn ghi trên bao bì) hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để chống mất nước cho cơ thể.
Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp này cũng như các trường hợp phát hiện các triệu chứng khác lạ hay nặng cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân suy hô hấp, thở nhanh nông hoặc thở yếu, chậm, thỉnh thoảng lại ngừng thở thì cần hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng hoặc thổi ngạt. Đặc biệt khi có ngừng tim phổi thì cần được hồi sinh tim phổi bằng thổi ngạt và ép tim. Khi vận chuyển bệnh nhân hôn mê cần để bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên phòng chất nôn sặc vào phổi. Chú ý thu nhận và mang theo thức ăn nước uống nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn. Không cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào theo lời mách bảo.
Tiến sĩ Phạm Duệ