- 1. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm khi mang thai
- 2. Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở phụ nữ mang thai
- 3. Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi
- 4. Cách xử trí ban đầu khi mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm
- 5. Điều trị khi bà bầu bị ngộ độc thực phẩm
- 6. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi mang thai
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng nhiễm trùng hoặc kích ứng đường tiêu hóa và lây lan qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm.
Ngộ độc thực phẩm có thể do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và thậm chí cả hóa chất độc hại gây ra. Các loại ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất virus noro, listeria, E.coli, vi khuẩn Salmonella.
1. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm khi mang thai
Mẹ bầu dễ mắc các bệnh do thực phẩm khi mang thai vì hệ thống miễn dịch của mẹ bầu không giống người bình thường nên nguy cơ bị ngộ độc sẽ cao hơn. Trạng thái miễn dịch bị ức chế này phần lớn là do nội tiết tố của mẹ bầu thay đổi liên tục. Khi mang thai, phần lớn năng lượng dành cho của cơ thể của người mẹ là nuôi con. Ngoài ra, hệ miễn dịch của thai nhi còn kém phát triển. Do đó nếu mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm nặng sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi.
2. Dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm ở phụ nữ mang thai
Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm thường do ăn phải thực phẩm không hợp vệ sinh. Thông thường, các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau bữa ăn khoảng 30 phút hoặc lâu hơn từ 2 đến 3 giờ, cũng có trường hợp xuất hiện sau 1 ngày.
Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện đầu tiên là tiêu chảy hay đau bụng, đi ngoài phân lỏng, co thắt dạ dày. Sau đó mẹ bầu sẽ có thể bị nôn, đau bụng, sốt, ớn lạnh người, đau đầu nặng hơn thì đau nhức mỏi, mê sảng, co giật,…
ThS.BS. Nguyễn Đức Minh, chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ phụ thuộc vào lượng thực phẩm bị ô nhiễm mà mẹ bầu ăn vào và mức độ của chất gây ô nhiễm.
Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, mẹ bầu cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào như tiêu chảy ra máu, tiêu chảy kéo dài hơn ba ngày, sốt trên 38,5 độ C hoặc có dấu hiệu mất nước, khô miệng và có cảm giác chóng mặt khi đứng.
3. Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi
Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm có thể gây hậu quả nặng hay nhẹ cho thai nhi tùy thuộc mức độ độc tính của vi khuẩn trong thức ăn mà mẹ đã ăn. Độc tính vi khuẩn qua nhau thai đến thai nhi làm ảnh hưởng tới thai nhi.
Với các mẹ mới trong 3 tháng đầu mà bị ngộ độc thực phẩm thì có nguy cơ bị dọa sảy, thai lưu. Với các mẹ thai trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, mẹ ngộ độc có thể khiến thai nhi chậm phát triển, thai suy và nặng hơn là sinh non, thai chết lưu.
Một số chủng vi khuẩn gây nguy hiểm lớn hơn là Listeriosis do vi khuẩn listeria gây ra. Đây là vi khuẩn có trong các sản phẩm động vật sống hoặc nấu chưa chín và trong một số loại rau sống.
ThS.BS Nguyễn Đức Minh cũng cho biết, thai phụ không nên quá lo lắng, không phải trường hợp mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm nào cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp độc tính vi khuẩn đi qua nhau thai và khá nguy hiểm. Do đó, mẹ bầu nếu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm cần phải đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.
4. Cách xử trí ban đầu khi mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm
ThS.BS. Nguyễn Đức Minh khuyên mẹ bầu và người nhà cần bình tĩnh để xử lý khi phát hiện mẹ bầu bị ngộ độc. Đầu tiên cần tìm cách đẩy các thực phẩm đã ăn ra ngoài bằng cách gây nôn ói. Làm điều này để ngăn sự hấp thụ chất độc vào ruột, bảo vệ niêm mạc dạ dày của mẹ bầu. Để nôn ra, dùng ngón tay cho vào cổ họng để kích nôn và tay phải được rửa sạch. Uống thêm nước muối ấm với tỷ lệ pha 2 thìa muối, 1 cốc nước ấm hoặc uống nước nhiều rồi móc họng cũng để kích nôn. Khi đã nôn được thực phẩm đã ăn ra ngoài, cần đi tới cơ sở khám bệnh để thăm khám.
Bên cạnh đó mẹ bầu cũng chú ý uống thuốc theo đơn của bác sĩ kê, tranh thủ nghỉ ngơi và thư giãn để nhanh phục hồi.
5. Điều trị khi bà bầu bị ngộ độc thực phẩm
Theo ThS. BS Nguyễn Đức Minh, tùy thuộc vào nguồn gốc và mức độ của ngộ độc thực phẩm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị, ngoài uống bù nước, mẹ bầu cũng có thể cần phải điều trị bằng uống thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc điều trị khác.
Uống đủ nước, bù nước
Khi mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm, uống đủ nước là rất quan trọng để duy trì quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng cho mẹ bầu. Mẹ bầu nên bù nước và chất điện giải, nên ưu tiên bổ sung dung dịch uống oresol, pha dung dịch và uống theo hướng dẫn của bác sĩ và kết hợp nghỉ ngơi nhiều. Không uống một lúc quá nhiều nước mà nên uống từ từ một lượng nhỏ để cơ thể cân bằng dần dần.
Mẹ bầu có thể uống các loại nước khác như nước dừa, các loại nước ép trái cây hoặc các loại canh, cháo, súp để giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Khi mang thai, mẹ bầu phải luôn giữ đủ nước để thai nhi nhận được lưu lượng máu thích hợp và mức nước ối luôn ở mức tối ưu. Bổ sung nước là cách dễ dàng và hiệu quả để giữ cho cơ thể khỏe mạnh hoặc hỗ trợ chữa bệnh, giúp nhanh phục hồi sau khi mất nước.
Trong trường hợp mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm bị mất nước nghiêm trọng cần phải truyền dịch qua tĩnh mạch để tránh suy nhược cơ thể.
Dùng thuốc
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh an toàn cho thai kỳ nếu mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê men vi sinh để duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
6. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi mang thai
An toàn thực phẩm rất quan trọng trong thời kỳ mang thai. Để tránh bị ngộ độc thực phẩm, mẹ bầu cần giữ vệ sinh trong chế biến thức ăn và tránh những thực phẩm không an toàn cho thai kỳ. Có một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể thực hiện để giảm thiểu khả năng bị ngộ độc thực phẩm khi mang thai.
Nên tránh ăn những thực phẩm có thể làm tăng khả năng bị ngộ độc thực phẩm, chỉ nên ăn các sản phẩm được nấu chín hoàn toàn và các sản phẩm đã được tiệt trùng. Không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích hoặc thịt nguội, thịt sống như nem chua, cá sống hoặc thức ăn nấu chưa chín, phô mai, sữa chưa tiệt trùng.
Việc thực hành các kỹ thuật chuẩn bị và xử lý thực phẩm an toàn cũng rất quan trọng. Rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, đồng thời đảm bảo vệ sinh khu vực nấu ăn, các dụng cụ trong nhà bếp đúng cách. Rửa sạch tất cả thực phẩm, sử dụng thớt riêng biệt với các loại thực phẩm khác giữa đồ sống và đồ chín. Lưu ý hạn sử dụng của thực phẩm, không được ăn đồ đã hết hạn kể cả khi chúng không có dấu hiệu bất thường hoặc không có mùi lạ. Bảo quản thực phẩm đúng cách, thịt sống và thịt chín riêng biệt trong tủ lạnh.
ThS. BS Nguyễn Đức Minh khuyến cáo, phụ nữ trước và trong thời gian mang thai phải có chế độ ăn, dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp. Tránh ăn những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, phụ nữ mang thai nên khám thai định kỳ, đến cơ sở y tế có đủ năng lực khám thai nếu có phát hiện bất thường bác sĩ sẽ xử lý theo từng trường hợp cụ thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đái tháo đường thai kỳ, thai nhi có bị ảnh hưởng không?