Hà Nội

Cách xử lý vấn đề về da ở người bệnh vảy nến, viêm da cơ địa

27-06-2023 14:15 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Trong các bệnh ngoài da mạn tính thì bệnh vảy nến và bệnh viêm da cơ địa sẽ tái phát và tiến triển nếu để da bị khô. Khi bệnh tiến triển sẽ khó điều trị, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

1. Bệnh vảy nến

- Triệu chứng: Bệnh vảy nến là một bệnh lành tính, nhưng lại rất khó điều trị. Bệnh vảy nến có số lượng tế bào da chết nhanh và nhiều gấp 10 lần người bình thường. Quá trình này gây ra các triệu chứng ngoài da có các mảng đỏ, bên trên có lớp phủ trắng như vảy cá do tế bào da chết tạo thành. Các tế bào chết này hằng ngày phát triển tạo thành lớp dày và bong tróc.

Các lớp da bong tróc có thể lan rộng ra vùng da đầu, vùng da đầu gối, vùng khuỷu tay, thậm chí có thể lan ra toàn thân nếu không khống chế được. Bệnh để nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn mủ khô và nông. Nếu vảy nến ở móng tay, móng chân thì những vị trí này trở nên xù xì, dày lên, dễ gãy…

Bệnh vảy nến gây ngứa ngáy, khó chịu…

Bệnh vảy nến, viêm da cơ địa gia tăng khi da bị khô và cách xử trí - Ảnh 1.

Biểu hiện của bệnh vảy nến.

- Cách xử trí: Khi da bị khô, có thể gây kích thích bệnh tiến triển, nổi vảy nhiều hơn. Do đó biện pháp phòng ngừa đầu tiên là giữ ẩm cho da.

  • Bổ sung đủ nước: Mỗi ngày cần ghi nhớ và uống đủ khoảng 2,5 lít nước.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng nếu có bật điều hòa. Nên bật máy tạo độ ẩm trong các phòng làm việc, phòng ngủ - là nơi sử dụng nhiều nhất để tạo môi trường giữ ẩm cho da.
  • Giảm căng thẳng: Khi căng thẳng bệnh vẩy nến dễ tái phát. Nên có kế hoạch và sắp xếp thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Những lúc mệt mỏi có thể nghe nhạc, ngồi thiền, tập các bài thở điều hòa cơ thể.
  • Không sử dụng sản phẩm vệ sinh da có tính tẩy rửa mạnh. Nên dùng sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội… với tính chất nhẹ nhàng, không hương liệu... Sau đó dùng kem dưỡng da cho da mặt và da toàn thân. Nên chọn các loại kem dạng mỡ thay vì kem lỏng, các sản phẩm dành cho da bị bệnh.
Bệnh vảy nến, viêm da cơ địa gia tăng khi da bị khô và cách xử trí - Ảnh 2.

Nên có kế hoạch và sắp xếp thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Khi bệnh đang tiến triển, cần đi khám tại chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị. Do đây là bệnh mạn tính, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, do đó vấn đề cần thiết là kiên trì tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ để được đánh giá toàn diện. Dù ban đầu là bệnh lành tính, nhưng nếu không kiểm soát được, bệnh có thể tiến triển và dẫn đến biến chứng như viêm khớp vảy nến, rất khó điều trị và gây tổn thương cho khớp.

2. Viêm da cơ địa

- Triệu chứng: Viêm da cơ địa ở người trưởng thành ít có triệu chứng rầm rộ. Các biểu hiện chính là da khô sần sùi kéo dài dai dẳng (mạn tính), vùng da bệnh bị thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ; dễ nổi mẩn nếu có tiếp xúc yếu tố gây dị ứng…

Các biểu hiện khi bệnh tiến triển:

  • Nhiều ban đỏ.
  • Bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông. Nếu mụn nước vỡ sẽ chảy dịch gây phù nề, vảy tiết. Nếu có bội nhiễm gây loét, mụn mủ, sưng nóng
  • Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau.

- Cách xử trí: Là bệnh mạn tính, nên không thể chữa dứt điểm bệnh viêm da cơ địa, nhưng có thể kiểm soát được bằng các cách sau:

+ Bôi kem dưỡng ẩm: Tình trạng da khô là nguyên nhân hàng đầu khiến viêm da cơ địa dễ tái phát, tiến triển và ngược lại, bệnh viêm da cơ địa cũng khiến da bị khô. Do vậy, sử dụng kem dưỡng ẩm để làm mềm da từ 2 - 3 lần mỗi ngày là yếu tố rất quan trọng, giúp da tránh nứt nẻ gây nhiễm trùng.

+ Sử dụng sản phẩm vệ sinh (dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt…) và sản phẩm chăm sóc da (kem dưỡng, serum…) dành cho da nhạy cảm.

+ Xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh: Tránh ăn thực phẩm dễ gây dị ứng. Hằng ngày vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; thường xuyên giặt ga, chăn, gối, thảm, rèm cửa; tránh tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp khói thuốc lá và môi trường nhiều bụi, ô nhiễm.

Bệnh vảy nến, viêm da cơ địa gia tăng khi da bị khô và cách xử trí - Ảnh 4.

Không cào gãi khi da bị ngứa, vì sẽ gây kích ứng da và càng ngứa hơn.

Ngoài ra, không nên tắm quá 20 phút một lần, ưu tiên tắm bằng nước ấm hơn là nước nóng hoặc nước lạnh; nếu đã dùng loại dầu gội, sữa tắm phù hợp, nên hạn chế tối đa dùng sang loại khác; không dùng móng tay để gãi cào khi da bị ngứa, vì sẽ gây kích ứng da và càng ngứa hơn; nên mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng...

Trường hợp bệnh tái phát, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn thuốc uống, thuốc thoa. Không nên tự ý thoa thuốc hoặc đắp các loại lá, vì nguy cơ bội nhiễm da rất cao.

Mời độc giả xem thêm video:

Hai loại thực phẩm bị nghi làm tăng đột biến số ca ung thư đại trực tràng | SKĐS

ThS.Nguyễn Thị Lan Anh
Ý kiến của bạn