Hà Nội

Cách xử lý nước sinh hoạt trong và sau mưa lũ để phòng bệnh

31-10-2020 20:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong mùa mưa lũ, hệ thống cấp và thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông,...), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn,...), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn,... Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.

Các biện pháp xử lý nước trong mùa mưa lũ

Trong mùa lũ, trường hợp giếng bị ngập hoặc không có nước dự trữ thì phải lấy nước ngập lụt xử lý để sử dụng sinh hoạt theo 2 bước sau:

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch:

Phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g, (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc 1 gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Vải sạch: Có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong. Chú ý chọn vải lọc bằng cotton để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều. Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa, cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong, cần tiến hành khử trùng nước.

Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B, được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước.

Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hóa chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Khử trùng nước bằng Cloramin B.

Khử trùng nước bằng Cloramin B.

Xử lý nguồn nước sau mùa mưa lũ

Trong khi bão lụt, nước có thể ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất như: Chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, hóa chất, cây cối... làm nước và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”.

Đối với giếng đào:

Tiến hành theo 3 bước:

Bước 1 - Thau rửa giếng: Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng. Tháo bỏ nắp và ni-lon bịt miệng giếng. Trước khi làm trong và khử trùng nước phải tiến hành thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.

Bước 2 - Làm trong nước: Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100g/m3.

Tán nhỏ, hòa tan hết phèn chua vào một gầu nước. Tưới đều lên giếng nước, thả gầu múc nước chìm sâu xuống giếng rồi kéo gầu mạnh lên khoảng 10 lần, đợi 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng xuống, sau đó tiến hành khử trùng.

Bước 3 - Khử trùng nước giếng: Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3, cứ 1m3 hòa tan 10-20g Cloramin B tương đương 1-2 thìa canh (tùy thuộc vào độ đục của nước). Múc một gầu nước, hòa lượng hóa chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hóa chất. Thả mạnh gầu xuống giếng, kéo gầu lên xuống khoảng 10 lần. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Cloramin B khuấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Clo mới đảm bảo. Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng. Sau 30 phút mới sử dụng nước

Lưu ý: Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn. Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được. Nếu lỡ cho quá nhiều Cloramin B thì đợi đến khi nào bay hết mùi Clo mới sử dụng.

Đối với giếng khoan: Tháo dây cao su và ni-lon bịt miệng giếng khoan. Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan. Khơi thông cống rãnh quanh giếng. Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng.

Đối với nước sông, ao, hồ: Các địa phương chưa có nước máy thì  dùng nước sông, ao, hồ và cần được làm trong, khử trùng trước khi sử dụng (cách tiến hành tương tự trong mùa lũ).

Vì sức khỏe của chính mình và thành viên trong gia đình, hãy xử lý nước đúng cách, tập thói quen thực hiện hành vi vệ sinh để bảo vệ gia đình, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.


BS. Minh Thắng
Ý kiến của bạn